Vì mầu cờ sắc áo của Tổ quốc

Với những vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao, niềm tự hào dân tộc luôn là xúc cảm mạnh mẽ nhất nâng bước họ trên hành trình khổ luyện hướng đến vinh quang. Mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu đã rơi, vì mầu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Nguyễn Thị Huyền đạt hai kỷ lục Sea Games 28.
Nguyễn Thị Huyền đạt hai kỷ lục Sea Games 28.

Gian nan lặng thầm

Mạnh mẽ trên sàn đấu bao nhiêu, ngoài đời “hot boy” thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành lại nhút nhát, rụt rè bấy nhiêu. Chỉ tay vào vai, Thành bảo em vẫn còn đau, chưa tập nặng được. Phương Thành đã trải qua giải Vô địch Thể dục dụng cụ thế giới (tổ chức tại Glasgow, Scotland) cách đây không lâu với “hành trang” là vết đau ấy. Thực tế, VĐV mới 20 tuổi này đã bị chấn thương vai khá nặng từ hơn một năm qua, nhưng cậu vẫn cắn răng chịu đau để giành Huy chương (HC) vàng nội dung toàn năng đầu tiên của lịch sử thể dục dụng cụ Việt Nam ở SEA Games 28. Trước đó, Thành gây bất ngờ khi giành HC đồng nội dung xà kép ở ASIAD 17 tại Incheon, Hàn Quốc.

Vì mầu cờ sắc áo của Tổ quốc ảnh 1

Đinh Phương Thành giành HCV toàn năng sea Games 28.

Khuất lấp sau gương mặt rạng ngời trên bục nhận HC của Phương Thành là những cơn đau nhức nhối và nhiều buổi tối không nuốt nổi cơm vì tập quá mệt. Thành đã sống như thế 15 năm qua. Cậu đến với thể dục dụng cụ khi mới năm tuổi. Khi bạn bè cùng lứa vẫn còn nhõng nhẽo trong vòng tay bố mẹ, Thành đã phải rời xa gia đình tám năm để tập huấn ở Trung Quốc. Kể về những ngày tháng ấy, cậu không giấu được xúc động. Buồn nhất là lúc ốm, Thành bảo, em nhớ bố mẹ vô cùng, chỉ mong nhanh được về nhà. Cả tuổi thơ của Thành là sàn tập, vòng treo, cầu nhảy ngựa và những thanh xà…

Ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, nhiều cô bé, cậu bé cũng đang bước trên con đường từng đi qua của Đinh Phương Thành. Nếu không được huấn luyện viên giới thiệu, sẽ không ai tin Phạm Phước Hiếu và Nguyễn Vũ Đức An đã 13, 14 tuổi. Hai cậu nhóc nhỏ thó, nhưng săn chắc, búng người bay vèo vèo trên tấm đệm nhảy.

“Cháu chuyên xà, còn anh An chuyên nội dung chân”, Phước Hiếu nói đĩnh đạc, trong lúc đưa tay quệt mồ hôi ròng ròng dù trời khá lạnh. An người Hà Nội, còn Hiếu mãi Nghệ An, còn nhỏ tuổi nhưng đã giành nhiều thành tích ở các giải trẻ toàn quốc. Hai cậu bé cũng mới trải qua bốn năm tập luyện tại Trung Quốc. Các em nói say mê về thể dục dụng cụ, về cường quốc số một môn này, Nhật Bản. “Bọn cháu muốn giành HC vàng Olympic. Đấy là giải cao nhất trong tất cả các hạng, hơn cả giải Vô địch thế giới…”, Đức An “tuyên bố” hùng hồn. Chúng đam mê thật sự, và dường như đã xác định sẵn một lộ trình rất rõ cho tương lai. Mỗi giải lớn, An và Hiếu lại hồi hộp ngóng tin các đàn anh, đàn chị. Hiếu cười ngượng nghịu: Chúng cháu cứ tưởng tượng mình đứng trên bục nhận HC SEA Games, ASIAD, Olympic, chắc thích lắm…

Hạnh phúc và đắng cay

Nửa năm sau chiếc HC vàng “bầm dập” ở SEA Games 28, VĐV nhảy xa ba bước Nguyễn Văn Hùng vẫn nhớ như in khoảnh khắc vỡ òa sung sướng ấy. Văn Hùng đến với điền kinh từ cuối năm 2003, sau một giải ở trường THCS được thầy Nguyễn Trọng Hổ “nhặt” lên tập với tuyển trẻ. Tuy được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng tương lai thể thao của Nguyễn Văn Hùng cũng gặp không ít đe dọa vì chấn thương. Sau khi bị đau lưng và đầu gối, năm 2007 Hùng lại bị rách cơ đùi và nghiêm trọng nhất là dập gót chân. Vết đau nặng và bị chẩn đoán mạn tính, khiến anh chỉ giành được duy nhất một HC bạc trong hai lần tham gia SEA Games 2009 và 2011.

Trước khi diễn ra SEA Games 2013 chỉ khoảng hai tháng, Văn Hùng tiếp tục tái phát chấn thương đầu gối và đau cơ khép. Bác sĩ đã khuyên anh không nên thi đấu nữa, nhưng Hùng vẫn quyết tâm đến Myanmar với tấm băng nơi đầu gối. Trong sáu lượt nhảy, đến lượt thứ tư anh vẫn đang đứng thứ ba. Lượt thứ năm Hùng nhảy hỏng do quá đau. Anh nhớ lại: Khi đó không ai tin là em sẽ nhảy lượt cuối vì đã “tàn tạ” lắm rồi, nhấc chân còn thấy khó. Nhưng tự nhiên nhìn xuống lá cờ trên ngực áo, em lại thấy bừng bừng hưng phấn. Và Hùng bước ra, bay lên ở lượt nhảy cuối cùng. 16m67, HC vàng và kỷ lục SEA Games. Khoảnh khắc vỡ òa sung sướng ấy vẫn được anh lưu trong điện thoại như một kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời thể thao. Hùng hồi tưởng: “Em ôm chầm lấy các thầy, rồi khoác cờ Tổ quốc chạy vòng quanh sân. Không thấy đau đớn gì. Nhưng một lúc sau vào phòng kiểm tra doping, em khuỵu xuống vì… không đứng được nữa”.

Cũng tại SEA Games 2013, trong khi đồng đội Nguyễn Văn Hùng trải qua những giây phút đáng nhớ ở Myanmar, Nguyễn Thị Huyền, người sau này trở thành “cô gái vàng” trên đường chạy 400 m lại phải rơi nước mắt tiếc nuối vì lỡ hẹn giải đấu. Cô cũng bị chấn thương rách cơ đùi ngay trước thềm SEA Games. Bao nhiêu kỳ vọng tan thành mây khói, Huyền tâm sự. Em đã suy sụp và khóc rất nhiều, vì khi ấy thành tích tập luyện đã vượt mốc HC vàng của kỳ SEA Games trước. Huyền thậm chí không dám xem tin tức về các anh chị em trong đội. Nhưng rồi cô đã vượt qua thời khắc đen tối đó để tỏa sáng rực rỡ ở SEA Games 2015, với ba HC vàng, hai chuẩn Olympic và hai kỷ lục SEA Games. Lần đầu đứng cao nhất trên bục nhận vinh quang khu vực, em bị ngợp, nước mắt cứ tự nhiên rơm rớm ra…

Đối với một VĐV thi đấu đối kháng như Nguyễn Thế Anh (đội tuyển vật nam), ngoài chuyện chấn thương, phong độ, còn nhiều lý do khách quan gây ảnh hưởng lớn đến thành tích thi đấu. Anh nhớ lại kỳ SEA Games đầu tiên tham dự năm 2009 tại Lào, khi đội vật Việt Nam liên tục bị các trọng tài xử ép. Trước nội dung của Thế Anh, đã có nhiều nội dung mất HC vàng một cách tức tưởi. Chỉ còn cách phải đấu thắng nhanh nhất, rõ ràng nhất có thể, anh kể. Nhưng không dễ dàng, vì VĐV người Indonesia cũng rất mạnh. Tuy nhiên, khi lửa quyết tâm giúp Thế Anh hạ “lấm lưng trắng bụng” đối thủ ở chung kết, vinh quang đã không còn quay lưng với anh. Sáu năm sau, Thế Anh và các đồng đội lại trải qua cảm giác hụt hẫng vì nước chủ nhà Singapore cắt bỏ môn vật khỏi nội dung tranh HC. Họ đã tập miệt mài, đã đánh đổi nhiều thứ, để rồi cuối cùng không được thi đấu.

Phía sau tấm huy chương

Lâu lâu, cựu VĐV điền kinh Vũ Bích Hường lại lấy ra nâng niu tấm HC vàng SEA Games 20 năm trước tại Chiang Mai, Thái-lan. Từ một hình ảnh “linh dương đen” trên đường chạy, giờ chị chỉ mong sớm đi lại được bình thường để chăm sóc cậu con trai út đang bị bệnh. Những sóng gió cuộc đời từng có lúc đánh gục Bích Hường. Chồng mất vì bạo bệnh, bản thân chị không may bị tai nạn có lúc tưởng liệt cả người. Nhưng chị vẫn gắng gượng đứng lên, để làm chỗ dựa và gửi gắm khao khát chinh phục đỉnh cao cho cậu con trai cả đang nối nghiệp mẹ.

Đời VĐV không chỉ là chuyện của những vinh quang hay danh hiệu. Nhiều người còn chưa bao giờ chạm tới độ “chín” đã phải giã từ sự nghiệp vì chấn thương. Nhiều người từng huy hoàng trên sân đấu, nhưng lại nếm trải bao gian khó, nhọc nhằn lúc sự nghiệp bước vào buổi xế chiều. Họ chìm vào dòng chảy vội vã của cuộc sống, ít được nhắc tới hoặc bị lãng quên. Còn lại có chăng chỉ là những tấm HC đã bạc mầu, kỷ vật lưu giữ của bao tháng ngày khổ luyện, phấn đấu vì mầu cờ, sắc áo Việt Nam…