Trong số các nhà khoa học trẻ tiêu biểu hiện nay, tiến sĩ (TS) Lê Hoàng Sơn nằm trong số ít nhà khoa học thuộc thế hệ 8x được đào tạo bài bản trong nước. Anh gây được tiếng vang trong nước và quốc tế bằng những nghiên cứu được ứng dụng dựa trên toán học. TS Hoàng Sơn cũng nằm trong số ít người sống bằng chính những nguồn thu từ thành quả nghiên cứu thành công và lấy đó làm nguồn vốn cho những công trình khoa học tương lai. Có được hướng đi đúng hiện nay là do anh tìm ra được lời giải cho bài toán cân bằng đầu vào và đầu ra. TS Hoàng Sơn coi nhu cầu xã hội, cụ thể như yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước… là đầu vào cung cấp vô vàn đề toán thực dụng. Lời giải cho những đề toán đó sẽ đem lại lợi ích đầu ra không chỉ cho xã hội mà còn cho chính những người nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu của anh nằm một vòng tròn khép kín hiệu quả giữa doanh nghiệp và trường đại học.
Giống như mô hình Samsung Lab kết hợp với Trường đại học quốc gia Seoul, TS Hoàng Sơn đi theo con đường liên kết lợi ích giữa các trường đại học - nhà nghiên cứu - doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sử dụng những kết quả nghiên cứu đưa vào sản xuất hàng loạt. Một phần lợi nhuận được trao lại cho trường đại học và chính những nhà khoa học. Thậm chí các nhà khoa học trẻ và sinh viên mới tốt nghiệp còn có thêm cơ hội làm việc ở những doanh nghiệp đó. TS Hoàng Sơn và nhóm nghiên cứu đã thực hiện thành công yêu cầu đặt hàng của 5 - 6 doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ và Italia. Phần lớn trong số này là kết quả của những mối quan hệ cá nhân của anh. Tới nay, anh đã thực hiện nhiều dự án của Công ty Pasec (Italia) như hệ thống COMGIS đã được ứng dụng tại tỉnh Bolzano-Bolzen của Italia trong việc xác định các trạm thu phát viễn thông, phần mềm Wine Terminal đã được sử dụng trong các lễ hội thử đồ uống tại Mỹ và một số nước châu Âu...
Những thành quả trên của TS Hoàng Sơn có sự tham gia không nhỏ của nhóm nghiên cứu tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên. Khi các nghiên cứu sinh trẻ bắt đầu làm việc, TS Hoàng Sơn luôn đặt họ trong một môi trường nghiêm túc và nghiêm khắc để thử năng lực, sự đam mê và giới hạn chịu đựng của mỗi người. Những nhà khoa học như anh hiểu rõ hơn ai hết con đường nghiên cứu rất khắc nghiệt. Một ngày làm việc 14 - 15 giờ không nghỉ với mức lương ít ỏi chỉ là vài khó khăn bề nổi so nhiều điều mà người nghiên cứu chấp nhận đánh đổi khi bước vào làm khoa học.
Thực tế khó khăn như vậy nhưng trong những lời khuyên chân thành của TS Hoàng Sơn với các sinh viên trẻ yêu khoa học lại luôn toát lên tinh thần lạc quan: “Đừng bao giờ ngừng đam mê và kiên trì theo đuổi đến cùng những ước mơ bởi khoa học không bao giờ phụ người cống hiến hết lòng cho nó”. Hướng đi đúng đắn và những thành quả mà TS Lê Hoàng Sơn đạt được là cơ sở thực tế cho sự lạc quan đó.