Mở cánh cửa cho vaccine “made in Vietnam”

Chị Hoàng Thu Hà (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm khi việc đăng ký trên mạng để tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim nhập ngoại cho con nhỏ tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã thành công. Trước đó, trong đêm Noel giá rét, chị cùng hàng trăm gia đình khác “bủa vây” Phòng tiêm chủng Polyvac (182 Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng để đăng ký tiêm vaccine ngoại cho con. “Cơn khát” vaccine dịch vụ “5 trong 1” tồn tại dai dẳng trong suốt năm 2015 sẽ được “giải nhiệt” khi cánh cửa sản xuất vaccine “made in Vietnam” mở rộng trước mắt…

VABIOTECH nghiên cứu, sản xuất vaccine “made in Vietnam”.
VABIOTECH nghiên cứu, sản xuất vaccine “made in Vietnam”.

Nỗ lực 14 năm, vị trí 37 toàn cầu

Cuối tháng 2-2014, một thông tin được giới truyền thông quan tâm và đưa tin rộng rãi là sự kiện Việt Nam công bố lần đầu tự sản xuất thành công vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em. Việc sản xuất thành công vaccine Rotavin-M1 đưa Việt Nam trở thành nước thứ tư trên thế giới và thứ hai ở châu Á có thể tự sản xuất vaccine phòng, chống virus Rota. Đây cũng là một trong chín sự kiện khoa học công nghệ ấn tượng của Việt Nam trong năm 2014. “Cha đẻ” của vaccine Rotavin-M1 là cố PGS, TS, BS Lê Thị Luân, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Vaccine Rotavin-M1 của Việt Nam sản xuất đưa ra thị trường với giá chỉ 250.000 - 300.000 đồng/liều, bằng một phần ba so giá vaccine nhập ngoại, trong khi hiệu quả được chứng minh là không hề thua kém.

Theo PGS, TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công vaccine Rotavin-M1 của PGS,TS Lê Thị Luân đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho Việt Nam mỗi năm, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000 - 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota. Như vậy, đã tiết kiệm được 5,3 triệu USD, trong đó 3,1 triệu USD cho chi phí trực tiếp, 685.000 USD cho chi phí không thuộc lĩnh vực y tế và 1,5 triệu USD cho chi phí gián tiếp để điều trị bệnh tiêu chảy do virus Rota ở nước ta. Thành công từ đề tài nghiên cứu này không chỉ góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật cho trẻ em Việt Nam, mà còn góp phần làm nên thắng lợi của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế và khẳng định vị trí của khoa học vaccine Việt Nam trên thế giới.

Một năm sau, cuối tháng 6-2015, tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng trong ngành sản xuất vaccine của Việt Nam, đó là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong 37 quốc gia được công nhận NRA trong tổng số 43 nước có sản xuất vaccine trên thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về sự kiện Việt Nam được trao chứng nhận NRA rằng: “Chúng ta rất tự hào, nếu các bạn nhìn thấy, phần lớn những chỉ tiêu đánh giá của các tổ chức thế giới về các mặt kinh tế, xã hội của Việt Nam thường đứng từ 70 đến 90 trong các nước thì con số 37 hết sức có ý nghĩa. Nó không chỉ thể hiện sự làm việc nghiêm túc của cả hệ thống quản lý của ngành y tế, mà còn là công sức của rất nhiều nhà khoa học được thể hiện, kiểm nghiệm bằng việc chúng ta tự sản xuất được 10/12 loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đây là nỗ lực không chỉ của 14 năm liên tục, mà quá trình này còn được kế thừa từ nhiều công sức và tâm sức của rất nhiều nhà khoa học, trong đó có những người đã ra đi”.

Chưa hoạt động hết công suất

ình trạng thiếu vaccine ngoại tiêm chủng dịch vụ tồn tại từ giữa năm 2014 đến nay. Theo Bộ Y tế, trong năm 2015, lượng vaccine nhập khẩu, cụ thể là vaccine “5 trong 1” để tiêm dịch vụ do nhà sản xuất không cung ứng đủ, chỉ bằng 10% - 15% số đặt hàng, dẫn đến thiếu trầm trọng. Trong khi đó, Bộ Y tế luôn khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, cụ thể là vaccine “5 trong 1” Quinvaxem mà Việt Nam đã được tài trợ miễn phí. Tuy nhiên, tình trạng xảy ra hàng loạt phản ứng sau tiêm loại vaccine này đã khiến người dân lo lắng. Vấn đề này, thêm lần nữa, hối thúc ngành công nghiệp vaccine trong nước phải tăng tốc.

Nếu như trước đây chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn nguồn vaccine nhập từ nước ngoài thì đến thời điểm này, trong nước đã có bốn nhà máy sản xuất vaccine. Đó là: Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Công ty TNHH một thành viên vaccine Pasteur Đà Lạt (DAVAC); Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC). Cả bốn nhà máy đều có đội ngũ cán bộ khoa học có đủ năng lực để nghiên cứu và sản xuất các vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho chương trình TCMR quốc gia.

TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc VABIOTECH cho biết, đến nay chúng ta có thể sản xuất được 12 loại vaccine phòng ngừa các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy do Rota virus. Trong đó 10 loại vaccine được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Chỉ còn vaccine Hib và rubella vẫn phải nhập khẩu. “Đây là một trong những lý do quan trọng để chúng tôi muốn tiếp cận công nghệ sản xuất vaccine ở trình độ cao hơn và trong tương lai công ty sẽ làm chủ các loại vaccine này”, TS Đạt tâm sự.

Trong thời gian vừa qua, VABIOTECH đã xuất khẩu được hơn ba triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản B sang Ấn Độ; vaccine viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Timor Leste; 32.000 liều vaccine viêm gan A đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vaccine tả uống đã được xuất khẩu đến Sri Lanka, Philippines, Ấn Độ. Tuy nhiên, theo GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế, trên thực tế, những kết quả trên chưa phản ánh hết tiềm năng và cơ hội xuất khẩu sản phẩm của các nhà sản xuất vaccine trong nước. Việc xuất khẩu những sản phẩm vaccine trên là bước đi ban đầu. Hiện nay dây chuyền sản xuất đối với vaccine viêm gan B mới khai thác được 30% công suất, bạch hầu, ho gà, uốn ván - chưa được 50%...

Đến năm 2020 sẽ sử dụng vaccine “6 trong 1” của Việt Nam?

Để chuyển hóa các thành tựu khoa học trong lĩnh vực vaccine thành hàng hóa có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường và xuất khẩu, Bộ Y tế đã đề xuất nâng vaccine phòng bệnh cho người thành sản phẩm quốc gia và đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, đến năm 2020, nước ta sẽ sản xuất và thương mại hóa được ít nhất bảy loại vaccine quan trọng phòng bệnh cho người, đáp ứng đủ yêu cầu chương trình TCMR trong nước, thay thế vaccine nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu vaccine ra một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới năm 2017, Việt Nam sẽ có thể tự tin sử dụng vaccine sởi - rubella do chính chúng ta sản xuất. Hiện, việc nghiên cứu vaccine “6 trong 1” đang được xem là thách thức khó khăn cho ngành y tế. Bộ Y tế đã giao cho ba cơ quan nghiên cứu, mỗi cơ quan sẽ phát triển một đến hai loại vaccine, sau đó sẽ phối trộn thành vaccine tổng hợp. “Chúng ta hy vọng đến năm 2017 - 2018, sẽ có vaccine “6 trong 1” của Việt Nam và đến năm 2020 thương phẩm sẽ được đưa ra thị trường cho người dân sử dụng”, Thứ trưởng Long nói.

Ông Long khẳng định, chất lượng của vaccine “Made in Vietnam” hoàn toàn được bảo đảm chất lượng vì chúng ta đã được các nước trên thế giới công nhận, WHO trao chứng chỉ NRA cho cơ quan quản lý quốc gia về vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan vấn đề quản lý vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, đến năm 2020 phải tiến tới thống nhất sử dụng một hệ thống vaccine. Trước mắt, Bộ Tài chính xây dựng nghị định để quy định giá tiêm vaccine mở rộng và giá tiêm vaccine dịch vụ. “Tới đây sẽ ban hành sớm nghị định về giá dịch vụ vaccine, đưa giá vaccine về tính đúng, tính đủ. Cùng với đó, đẩy nhanh dự án đầu tư sản xuất để Việt Nam tự chủ được vaccine và tiến tới xuất khẩu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.