1/ Tên đầy đủ là Gánh hát Dân gian ở châu Âu (tiếng Đức: Viet-Volkstanzensemble; tiếng Anh: Viet-Folk Dance Ensemble), nhóm văn nghệ nghiệp dư với “quân chủ lực” là phụ nữ và nhi đồng.
Riêng trong năm 2015, từ chùa Phật Huệ đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, từ trường tiếng Việt Offenbach đến Sở Thanh - thiếu niên thành phố Offenbach - các khán giả được biết tới 17 buổi trình diễn ca múa nhạc truyền thống Việt. Tức là cứ non tháng thì cả một “bầu đoàn thê tử” sôi động và nhí nhảnh lại quẩy bước lên đường…
Tất cả chín buổi cho cộng đồng Việt, tám buổi cho cộng đồng Đức và nước ngoài, bất cứ ở đâu các tiết mục đều được khán giả vỗ tay yêu cầu diễn lại. Ở nhiều buổi chương trình của đoàn “bị” xếp cuối cùng, vì dân tình già trẻ chưa xem gánh hát là chưa chịu về.
Chất dân tộc và tính quốc tế hiện ra ở mỗi người trong đoàn. Với hơn 30 thành viên và hơn 10 cộng tác viên, Gánh hát Dân gian được làm nên từ năm gia đình “vợ Đông chồng Tây” đủ kiểu của các sắc dân Việt, Đức, Syria, Nga… Số thành viên độc thân là các sinh viên Việt Nam du học tại Đức. “Ông chủ gánh hát” tên là Nabil, người Syria, và đảm trách kỹ thuật cho các màn diễn vì kỹ sư cơ khí vốn là “nghề của chàng”. Từng là công nhân người Việt, nay chị Hồ Tuệ Chân không chỉ là giám đốc kiêm chăm sóc “hầu bao” cho nhóm mà còn gánh luôn vai cố vấn nghệ thuật.
2 / Đúng vào ngày mừng Tết Giáp Ngọ, Gánh hát Dân gian trình làng buổi diễn đầu đời bằng tiết mục múa “Trống cơm”. Tiếng trống linh thiêng nằm lòng người Việt chúng ta hôm đó sao mà tác động mạnh đến thế, tới cả người Đức và người các dân tộc khác! Từng làm giáo viên tiếng Anh THPT ở Hà Nội, Đỗ Thị Mai Tuyến là người tổ chức kế hoạch và viết kịch bản cho đoàn. Trong nhật ký chị viết: “Tôi hỏi một người Đức gốc Phi về cảm tưởng đầu tiên khi xem màn diễn trống cơm. Anh ấy đáp: Hay! Tôi không tin. Hỏi lại có thật không. Anh ấy nói ngay: Xúc động đến nổi cả gai ốc!”.
Ziyang 13 tuổi, Minh Anh 10 tuổi, cặp chị em sinh đôi Thùy My - Huy Hoàng 10 tuổi, Tukay 7 tuổi… Vâng, có đến 10 “diễn viên nhí” trai gái. Các cháu chính là linh hồn và cũng là động lực để cả đoàn dốc sức, dốc lòng. Khỏi nói... Những tiết mục của các diễn viên nhí luôn là tâm điểm. Đó là màn múa “Đi cấy” theo dân ca Thanh Hóa khi các bé gái trong bộ yếm đào, váy đụp, vấn tóc đuôi gà, còn các bé trai trong bộ nâu đất. Kìa, vầng trăng to đùng theo điệu nhạc êm ái cứ giật giật đùa giỡn với các diễn viên nhí, với hàng trăm người lớn trẻ em chao đảo theo trong Lễ Phật đản tháng 5-2014 ở chùa Phật Huệ. Đó còn là màn múa hát “Em đi trên cỏ non” cùng hoạt cảnh về cuộc sống sông nước của nông dân đồng bằng sông Cửu Long với cầu khỉ, thuyền tre, cậu bé cỏn con ngồi bên sông thổi sáo, bên cạnh bé gái quạt nón khiến mấy cô bác khán giả người miền nam khóc luôn… tại trận!
3 / Không ai trong đoàn từng được đào tạo chuyên môn về nghệ thuật. Vậy mà Gánh hát Dân gian đi được vào lòng người, len lỏi tới điểm sâu kín của kẻ xa quê hương đong đầy ký ức ấu thơ. Có thể nói tâm hồn nghệ thuật của đạo diễn Đặng Hương, Tiến sĩ ngôn ngữ đã đưa những điệu múa không chỉ đạt được sự sinh động của trào phúng dân gian, mà còn pha quyện vẻ hiện đại qua những bước nhảy rap. Bất kể người xem nào cũng có thể cảm nhận mà cười lên sảng khoái. Khi chúng tôi hỏi cách chọn đề tài biểu diễn, Đặng Hương đáp: “Vui tươi lạc quan và bản sắc văn hóa Việt là các tiêu chí cơ bản”.
Cô đạo diễn trẻ và năng động ấy cho biết rất khó chọn tiết mục hay nhất: “Mỗi buổi diễn là một lần trải nghiệm cảm xúc khác nhau, có thể là sự đồng điệu chan hòa trong cộng đồng người Việt. Nhưng cũng có thể là niềm tự hào trong giao lưu quốc tế, khi mà lời ca điệu múa Việt được bạn bè các nước thích thú đón nhận. Tiếng vỗ tay từ khán giả dù giống nhau nhưng cảm xúc mỗi lần mỗi khác, mỗi người mỗi khác. Không dễ có thang điểm chung để đánh giá sự thành công, anh ạ!”.
4 / Hằng năm Gánh hát Dân gian đều gửi hồ sơ sinh hoạt lên Ủy ban văn hóa quốc tế Frankfurt, và nghiêm túc tham dự các phong trào, khóa học nghiệp vụ, seminar, workshop… Họ đã được Ủy ban tặng quỹ 500 euro cho năm 2015.
Lòng đam mê vẫn bốc lửa, vì họ có được thuận lợi quyết định. Đó là nhiệt tình nơi mỗi thành viên và sự ủng hộ chí công vô tư từ nhiều phía: gia đình, chùa Phật Huệ và cộng đồng Việt, Tổng Lãnh sự quán, truyền thông báo chí, cùng bạn bè quốc tế…