Cụ là Ngô Văn Bính, quê xưa ở làng Quảng Bá. Ngày đó Bính làm sắp chữ ở tòa báo La Voulte. Một ngày, trên chính tờ báo nơi anh làm việc có đăng dòng tin tuyển mộ di dân vào lập cư ở cao nguyên Đà Lạt. Sẵn thích phiêu lưu, Bính không ngần ngại lên đường. Năm ấy, anh 17 tuổi. Bính hòa vào dòng lưu dân là người các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Vạn Phúc, Ngọc Hà, Xuân Tảo và trở thành công dân mới của cao nguyên Lâm Viên. Theo dòng hồi ức, lịch sử như được tái hiện lại trong đáy mắt nhòe sương của vị lão bối dù gần một thế kỷ rồi vẫn khôn nguôi nỗi nhớ cố hương…
Đầu thế kỷ trước, Đà Lạt bắt đầu phát triển theo hướng một đô thị nghỉ dưỡng. Năm 1936, triều đình Huế lập ra tại đây cơ quan hành chính đại diện cho người Việt. Vị Quản đạo đầu tiên của Đà Lạt là quan tứ phẩm Trần Văn Lý. Ngay từ ngày nhậm chức, ông Lý đã nhận thấy vùng đất màu mỡ này còn hoang sơ, khí hậu lại mát mẻ thích hợp cho việc sản xuất các loại rau, hoa và cây ăn quả. Trong khi đó, nhu cầu về thực phẩm tươi sống cung cấp cho người Pháp, quan lại Nam Triều và người địa phương ngày càng tăng. Vì vậy, Quản đạo đã đưa ra sáng kiến về việc lập ấp trồng rau và hoa tươi cung cấp cho nhu cầu tại chỗ. Ông Lý đề nghị ông Hoàng Trọng Phu lúc đó là Tổng đốc Hà Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ về việc di dân ngoài đó vào lập ấp tại Đà Lạt. Nhận lời đề nghị trên, Hoàng Trọng Phu đã lệnh cho Lê Văn Định, Thương tá canh nông Hà Đông xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện việc di dân vào Đà Lạt lập ấp.
Lê Văn Định đã lập một chương trình cổ động trên báo chí về tiềm năng của vùng đất cao nguyên Đà Lạt và chủ trương di dân. Nhờ đó, Ngô Văn Bính đọc được thông tin đăng trên báo La Voulte. Ông Định cũng đứng ra vay 500 đồng của Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ để thực hiện các công việc phục vụ cho đợt di dân này. Số tiền vay được, ông trích ra 300 đồng gửi vào Đà Lạt cho Quản đạo Trần Văn Lý chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu, phần còn lại để mua vé tàu hỏa và cấp cho những người được tuyển chọn vào có chút vốn chi tiêu, mua sắm nông cụ. Đầu năm 1938, hàng chục người từ các làng xã trong tỉnh Hà Đông thời đó đã được tập trung về trụ sở của Hội tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Hầu hết trong số họ là nam giới khỏe mạnh do chức sắc các làng ven Hồ Tây đề cử. Lê Văn Định tuyển lựa được hơn 30 người và giao cho Vũ Đình Mấm, Tham tá canh nông Hà Đông hướng dẫn thêm về cách trồng rau, hoa. Sau đó, họ được đưa đi tham quan và học tập phương pháp trồng rau, hoa của người Pháp tại làng Ngọc Hà. Họ cũng được bác sĩ Cao Xuân Cẩm khám và tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm và cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Ngày 31-5-1938, nhóm đầu tiên gồm 35 người là cư dân vùng ven Hồ Tây thuộc Hà Đông cũ đã đặt chân lên đất Đà Lạt sau khi vượt một cuộc hành trình hàng nghìn cây số trên chuyến tàu hỏa miễn cước hành lý và giảm giá vé. Sự có mặt của họ đã đánh dấu cái mốc đầu tiên dẫn đến sự hình thành một vùng cư dân mới của thành phố cao nguyên. Dân ấp Hà Đông ở Đà Lạt bây giờ vẫn thường nhắc đến tên tuổi của những người tiên phong khởi nghiệp. Đó là các cụ ông Ngô Văn Hiện, Ngô Văn Hựu, Ngô Văn Tường, Trần Văn Y, Nguyễn Duy Thuấn, Lý Nhu, Nguyễn Xuân Hợp, Nguyễn Hữu Bái, Nguyễn Hữu Hắc, Đỗ Xuân Kể, Trần Văn Nga, Phương Văn Lầu… và các cụ bà như Cả Tục, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Nhớn… Sau chuyến đầu tiên một thời gian, đầu năm 1939 có thêm 19 người nữa vào và từ năm 1940 đến 1942 lại có thêm 47 người nữa. Dân cư ngày càng đông hơn và cuộc sống trên vùng đất mới bắt đầu ổn định, những lưu dân xa xứ có nhu cầu hình thành một đơn vị hành chính riêng. Ban đầu cư dân ở đây đề nghị được lấy tên ông Hoàng Trọng Phu làm tên ấp nhưng quan Tổng đốc đã từ chối lời đề nghị này và gợi ý nên lấy tên Hà Đông đặt cho ấp để con cháu mai sau nhớ về cội nguồn…
Những tư liệu trên đây về cái thời người Hồ Tây “gánh tên xã, tên làng” theo cuộc di dân về phía phương nam chỉ là những dòng khô khan mạn phép ghi lại. Như những gì mà các lão bối trong ấp hồi tưởng, như những gì mà chúng ta có thể hình dung, cuộc đấu tranh mở mang đất mới của những người con Hà thành buổi đầu khởi nghiệp trên vùng đất xa lạ thật vô cùng khổ ải. Từ những cư dân quen sống giữa không gian đồng bằng Bắc Bộ, sau một chuyến tàu họ đã trở thành người mới của cao nguyên. Đất lạ quê người, bốn phía âm u rừng núi. Họ đối mặt với thiên nhiên hoang dã, mưa rừng, gió núi, nước độc và thú dữ. Đối mặt với cuộc sống thiếu thốn trăm bề trong cái ngày đầu chưa quen thổ nhưỡng nên mất mùa liên miên. Và não nề hơn là nỗi nhớ cố hương da diết.
Thế rồi, họ đã vượt qua tất cả mọi gian lao bằng nghị lực và ý chí lập nghiệp của người Hà thành. Ngô Văn Bính là một trong những người như thế. Năm đó, cụ Bính vào, một mình chống chọi với mọi điều bằng nỗi khao khát thành công. Chỉ một năm sau, cụ viết thư về động viên bố mẹ và cả gia đình cùng vào. Khi đi, bố cụ Bính là cụ Ngô Văn Ất đã mang theo 2.000 củ hoa lay ơn. Từ 2.000 củ hoa ấy, gia đình đã có một vườn hoa khi gặp đất đai và thời tiết thuận hòa, mang lại một nguồn thu nhập cao hơn cả trong giấc mơ. Với 4 xu một củ giống, chỉ hai tháng sau đã có 2 hào một cây hoa, và cho thu nhập tới 400 đồng bạc Đông Dương, trong khi thời giá 2 đồng một tạ gạo. Gia đình cụ lại thắng lớn về quả dâu tây với 1,5 đồng một cân mà hằng ngày thu hoạch hàng chục cân. Nạn đói năm 1945, cụ Bính đã gửi về quê nhà hai tấn gạo để giúp người làng trong cơn hoạn nạn. Chính sự thành công của gia đình cụ đã củng cố thêm niềm tin cho những người dân xa xứ đến cao nguyên. Chính phủ Nam Triều thời đó đã thưởng gia đình cụ Bính “Bảo quốc huân chương” và phong cho cụ ông Ngô Văn Ất hàm “cửu phẩm bá hộ”.
Thành phố Đà Lạt đã bước sang tuổi 123, ấp Hà Đông cũng đã có lịch sử xấp xỉ 80 năm và đã được vinh danh “làng hoa truyền thống đầu tiên” của thành phố hoa. Qua bao thăng trầm, biến thiên của thời gian, người Hồ Tây đi lập nghiệp trên vùng đất cao nguyên vẫn giữ nguyên cốt cách hào hoa, thanh lịch và bản tính cần cù chịu thương, chịu khó. Họ mang theo giọng nói gốc của người Hà Nội xưa và “gánh” vào Tây Nguyên những nét văn hóa nghìn năm sông Hồng…