Ai từng đi Thái-lan chắc biết, cũng là phở nhưng “Quấy Tiểu” của người Thái chẳng giống vị phở Việt. Phở Thái gồm bánh đa, thịt lợn, chả băm viên, tiết lợn với hành, rau sống, cùng nước dùng ngọt lợ. Không thể “bắt” món phở Thái “đóng thế” thêm nữa, chúng tôi “xới tung” Bangkok và tìm thấy hai quán phở Việt.
Nằm trên đường Ratchadaphisek sầm uất của quận Din Daeng, quán Le Hanoi đông khách từ trưa đến tận đêm. Khách gồm đủ thành phần, quốc tịch, đều cùng sở thích là yêu phở và những món ăn Việt. Bà chủ tên Nguyễn Hồng Hoa, tuổi gần 60. Món ăn ở quán, dù là đặc sản ba miền vẫn toát lên nét tinh tế của đất Tràng An. Gặp đồng hương Hà Nội, bà Hoa vui lắm. Bà cho biết sang Thái-lan năm 1998, trải qua nhiều nghề, cuối cùng quyết định mở hàng ăn. Quán Le Hanoi ra đời từ đó.
Rộng chừng 60 m2, Le Hanoi luôn kín khách. Nhiều khi khách phải đứng ngoài xếp hàng chờ bàn. Thực đơn khá đa dạng, ngoài món chủ đạo là phở bò và phở gà, còn nhiều món hấp dẫn như bún chả, bún mọc, bún riêu, bánh cuốn… Các món cuốn là nem lụi Huế, bánh xèo, nem rán cũng được thực khách ưa chuộng. Thực đơn của Le Hanoi không khác tạp chí du lịch. Ngoài các món ăn có tên bằng tiếng Việt, Anh và Thái, cuốn thực đơn còn giới thiệu truyền thống lịch sử và các danh lam thắng cảnh của Việt Nam như Hà Nội, Hồ Gươm, Hội An, Huế…
Tên quán Le Hanoi và biểu tượng Khuê Văn Các cách điệu đã được đăng ký bản quyền với Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Thương mại Thái-lan. Năm 2012, Le Hanoi giành giải nhì cuộc thi ẩm thực “Rhythm of the Earth” tổ chức tại Bangkok, với món “đùi gà nhồi thịt nấm” do chính tay bà Hoa chế biến. Đây là cuộc thi ẩm thực quốc tế khá uy tín, thu hút nhiều đầu bếp, quán ăn nổi tiếng tới từ Mỹ, châu Âu và châu Á.
Bà Hoa ấp ủ kế hoạch truyền kinh nghiệm làm món ăn cho mấy cô cậu người Việt mà bà coi như con cháu nhằm giữ gìn và phát triển nghệ thuật ẩm thực Việt ở Thái-lan. Nếu đạt tâm nguyện, bà sẽ về Hà Nội. Gần 20 năm bôn ba ở Thái-lan, bà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và ngôi nhà ở Giảng Võ để có chốn quay về lúc tuổi xế chiều…
Cũng giống với Le Hanoi, thực khách tới quán Phở Vân, số 506 đường Ramkhamhaeng, quận Bang Kapi ở Bangkok, đều ấn tượng với cách bài trí “rất Việt Nam” của cô chủ Nguyễn Thị Vân Anh. Mới chỉ mở một năm và không ở vị trí đắc địa, nhưng Phở Vân là điểm đến hấp dẫn của những người muốn thưởng thức hương vị phở Việt. Thực đơn có nhiều món, nhưng món phở bò mới tạo điểm nhấn cho quán.
Không sinh ra ở địa phương có truyền thống về phở, Vân Anh (quê thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn ước mơ giới thiệu món phở hương vị chuẩn Hà Nội tới bạn bè Thái và quốc tế. Cô gái sinh năm 1982 này tâm sự, con đường đưa cô đến vị trí chủ quán phở Việt ở Thái là cơ duyên. Cách đây mười năm, chồng cô là người Singapore sang Việt Nam công tác, rồi bén duyên với Vân Anh. Thời điểm đó, Vân Anh mở cửa hàng bán quần áo trên phố Thợ Nhuộm (Hà Nội). Quyết tâm đến với nhau, chàng về Singapore chuẩn bị thủ tục kết hôn, còn nàng vừa bán hàng, vừa học thêm tiếng Anh.
Ở Singapore vài năm, có với nhau hai mặt con, chồng Vân Anh sang Thái-lan làm chuyên gia. Vậy là Vân Anh ôm con theo chồng sang Bangkok. Và, cũng chỉ vì thèm phở, Vân Anh quyết tìm bí quyết, mới đầu chỉ nấu cho chồng con, sau mời bạn bè đến nhà thưởng thức và góp ý. Khi tìm được công thức chuẩn, Vân Anh mở quán Phở Vân để giới thiệu ẩm thực Việt. Hương vị béo ngậy, ngọt thanh, nước dùng trong và mùi hoi đặc trưng của phở bò tái, chín, gầu ở Phở Vân, quả thật, không kém nhiều quán phở nổi tiếng của Hà Nội.
Thực khách tới Phở Vân không chỉ thưởng thức phở và các món ăn Việt truyền thống, mà còn được thả mình trong không gian và âm nhạc đậm chất Việt. Biểu tượng quán ăn cũng khá đặc sắc với hình nữ dân quân đội mũ tai bèo, bên cạnh lá cờ đỏ sao vàng. Vân Anh kỳ công về Việt Nam sưu tầm mũ tai bèo, bi-đông nước, dép cao-su và tranh, ảnh đất nước, con người Việt Nam trưng bày trong quán. Những đồ dùng đó mang lại cảm giác gần gũi, ấm cúng cho thực khách, nhất là những người con Lạc Hồng xa quê.
Giá phở ở quán Le Hanoi và Phở Vân không hề rẻ, dao động từ 60 nghìn đến 90 nghìn đồng, nhưng được thưởng thức bát phở chuẩn Việt ở nước ngoài, mức giá đó âu cũng xứng đáng. Càng thấy trân trọng hơn những người luôn ý thức lưu giữ, bảo tồn giá trị Việt ở nơi xa quê hương.