1 / Khá sớm trong các trò chơi xuân là trò “trồng nụ trồng hoa”, được khắc họa trên trống đồng cách đây hơn 2.000 năm. Đôi trai gái ngồi đối diện với nhau giữa ngôi nhà sàn, ngoắc tay ngoắc chân vào nhau. Đến thời Lê, các nhà sử học còn thấy trò này được ảnh xạ trong các điệu múa hát có tên là “rí ren” ở vùng Thanh Hóa. Một trò chơi nữa, có thể sớm hơn nữa, là trò đánh đáo. Đáo ở đây là các mảnh gốm được trang trí hoa văn và được ghè tròn, đường kính khoảng chừng 4-5 cm. Trong các làng cổ cách đây vài ngàn năm, các nhà khoa học còn đào được các mảnh đáo như vậy.
Một trò chơi nữa, có lẽ từ vùng rừng núi ảnh xạ về Kinh đô Thăng Long, nay không thấy nữa. Đó là trò ném còn. Một đoạn trong sách “An Nam Chí Lược” viết từ năm 1335 đã miêu tả khá sinh động “Ngày mồng ba Tết, Vua Trần ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan nội cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. Quả bóng lấy gấm mà làm, bằng nắm tay đứa bé, có tua đeo lòng thòng đến hai mươi sợi”. Nay thì trò ném còn không thấy ở vùng xuôi nữa, nhưng vẫn là trò chơi của các dân tộc Tây Bắc và Việt Bắc.
Đá cầu - chạm khắc gỗ ở đình làng Thổ Tang (Vĩnh Phúc).
2 / Học giả Trương Vĩnh Ký trong chuyến du hành ra Bắc Kỳ năm 1876 cũng ghi nhận các trò chơi như: đánh quay đất, thò lò, xóc đĩa chẵn lẻ, đánh xấp ngửa, đánh võ, vật, múa rối cạn, múa rối nước, leo dây, bài điểm, cờ người, nấu cơm thi, dệt cửi thi. Đặc biệt có trò bắt chạch: trai gái choàng cổ ôm nhau, một tay thò vào chum bắt chạch, bắt được có thưởng.
Những trò chơi Xuân vui và độc đáo được ghi chép lại đã đành. Mà người xưa còn đưa các trò này vào các mảng chạm khắc của ngôi đình Việt, nhất là vào thế kỷ 17. Đó là mảng chạm gỗ cảnh đánh cờ, đua thuyền, chọi trâu, đá cầu, trồng người…
Chúng ta biết được nhiều điều qua một tác phẩm của Henri Oger người Pháp với tác phẩm nổi tiếng gồm hơn 4.000 hình vẽ và ký họa thể hiện bằng tranh khắc gỗ miêu tả cuộc sống đa dạng của người Hà Nội xưa. Qua đó, ta biết được vào những năm đầu thế kỷ 20, nước ta có nhiều trò chơi dân gian, nhiều trò đến nay không còn thấy nữa.
Trò đấu gậy, tập võ trên đường phố. Hai người đàn ông quấn khăn, thắt lưng ngang hông, chân đi đất đang cầm gậy dài đấu nhau. Trò chọi que: một người đàn ông chơi trò tung hứng với ba chiếc que ngắn. Trò nhào lộn trên thang: một người giữ thang, một người đang nhào lộn trên đầu chiếc thang đang dựng đứng. Trò vừa đi trên dây, vừa múa gậy. Trò nhào lộn và tung hứng các trái bóng tròn. Trò xiếc dạy thú: một người đàn ông dạy con khỉ đang dắt một con chó.
Người ta còn thấy trong tác phẩm này còn có trò chơi thả chim, trò nhảy lò cò, trò chơi quay, rồng rắn (mà cách đây không lâu, trẻ con còn vừa chơi, vừa hát “rồng rắn lên mây, có cây xúc xắc, có nhà điểm binh”). Trò leo cột mỡ: đầu cột có treo nhiều phần thưởng, có cảnh người đóng khố cởi trần đang leo. Trò chơi cua với hình ảnh đứa trẻ đang buộc con cua vào dây. Trò làm ngựa: ba đứa trẻ dang tay làm ngựa cho một đứa cưỡi. Trò trồng nụ, trồng hoa. Đáng chú ý còn có trò chơi đu rất quen thuộc với các ngày hội xưa nay. Một số trò chơi khác nữa như: trò chơi với bướm, buộc bướm vào dây rồi thả cho bay. Trò đá cầu, thả diều, đi trên cầu kiều, nếu không trượt ngã xuống nước thì được thưởng. Trò liếm chảo, chơi tam cúc, bói bài, chọi gà, đập niêu, chơi chẵn lẻ, thi bắt cá trong thùng…
3 / Nhiều khi các trò chơi lai rai suốt cả tháng Giêng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Mà xem ra, dân Bắc Kỳ xưa kia lại có nhiều thú ăn chơi hơn dân Nam Kỳ, đúng như nhận xét có phần ngạc nhiên của Trương Vĩnh Ký, khi ông có dịp lãng du ra phương bắc: Đàn ông con trai hay ngồi quán, ngồi lều trà rượu ăn chơi, còn việc cày cấy thì nhờ đàn bà con gái làm. Đấy là khung cảnh cách đây 140 năm. Nay thì với cuộc sống công nghiệp hiện đại, gấp gáp. Người ta không còn dành ra cả tháng để mà ăn chơi rông dài nữa. Nhiều trò chơi không thích hợp với cuộc sống đương đại đã mất đi. Nhưng nhiều trò chơi truyền thống được phục hồi lại trong các dịp lễ hội mùa xuân như thổi cơm thi, đập niêu, bịt mắt bắt dê, đi trên cầu kiều… Một số trò dường như không thể thiếu được trong các dịp Tết hay hội hè như chọi gà, đánh đu, chơi cờ người…
Những trò chơi đậm đà bản sắc dân tộc, xem ra đã là một phần hồn cốt của người Việt, cũng như tiếng Việt vậy, cứ tồn tại lâu bền suốt nhiều ngàn năm. Chúng tồn tại như một mạch ngầm trong văn hóa Việt đã chảy qua ngàn năm lịch sử và còn chảy mãi.