Nghiệp bánh răng

Tại một góc nhỏ Hà Nội, người thợ cơ khí Vũ Hồng Quân (trong ảnh) đang tạo nên những chiếc bánh răng có chất lượng hàng đầu Việt Nam để vươn đến tầm thế giới.

Nghiệp bánh răng

“Quân trục từ”

năm lại đây, nhắc đến những chiếc bánh răng, người trong nghề cơ khí nhắc tới ông Vũ Hồng Quân, xuất thân là một người lính. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, ông xuất ngũ gần như với hai bàn tay trắng, đối mặt những khó khăn thời kỳ đầu mở cửa để khởi sự vòng quay mới của cuộc đời, trên những chiếc bánh răng nhỏ bé.

Ông nhớ hồi đó quanh mình, mọi người thường chỉ tập trung làm những thứ nhanh kiếm ra tiền, thu hồi vốn nhanh. Nhưng mình ông lại nghĩ khác, với nghề thợ tiện khi đang ở trong quân đội và từng được nâng cao tay nghề ở nước ngoài, ông thích những việc khó, kỹ và chỉ mình mới có thể làm được.

Dạo đó, những chiếc máy photocopy hỏng rất nhiều nhưng không có bánh răng thay thế. Ông Quân tìm tòi để áp dụng công nghệ sản xuất bộ phận này. Nhận thấy ở ta chưa ai làm được, ông đi làm thuê rồi tìm mua những đồ đã bị thải loại về sửa. Dần dần, tay nghề được nâng cao, ông tìm ra cách thức để làm những chiếc bánh răng tốt nhất trên thị trường, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất trong ngành cơ khí. Năm 1996, ông mua được một chiếc máy tiện. Và cũng chỉ năm sau, khi những chiếc bánh răng trong hộp từ máy photocopy có chất lượng cao nhất được ông tạo ra thì dân trong nghề bắt đầu gọi ông là “Quân trục từ” như một sự ghi nhận sáng tạo ở thời điểm đó chưa ai làm được.

Càng thành công, càng học hỏi

Để thuận lợi cho công việc, ông Quân xây dựng cho mình một doanh nghiệp theo mô hình vệ tinh với 10 cơ sở quanh Hà Nội. Mỗi cơ sở đảm trách một công đoạn và sản phẩm tập trung tại nơi sản xuất cuối cùng là nhà của ông để kiểm tra chất lượng. Doanh nghiệp của ông đang sở hữu 1.000 mặt hàng bánh răng khác nhau dùng cho rất nhiều chủng loại và loại máy. Hiện ông đang thử sáng tạo bánh răng ở con lăn máy in thẻ card. Thậm chí, những quả lô trong máy ông chế tạo ra có giá bán chỉ 200.000 đồng, chất lượng tương đương sản phẩm của Nhật Bản có giá tới 100 USD (khoảng 2,2 triệu đồng). Nhiều nơi muốn mua lại doanh nghiệp của ông với giá cao mà có cật lực làm trong 10 năm tới ông cũng chưa biết có thể kiếm được số tiền đó không. Nhưng ông nhất quyết giữ lại để tiếp tục hành trình sáng tạo.

Ông tâm niệm luôn theo đuổi một mục tiêu chất lượng, không bao giờ làm hàng rẻ tiền - theo nghĩa chất lượng thấp. Thậm chí, khách hàng muốn làm hàng rẻ tiền, thật nhanh chóng, ông cũng từ chối. Ông xác định: Chất lượng làm nên thương hiệu. Phải có chất lượng thì mới có thể tồn tại được trong sự khắc nghiệt của thị trường. Những chiếc bánh răng của ông luôn được đánh giá chạy êm, tốt, bền, kỹ. Thậm chí, có những sản phẩm chưa ai làm được nhưng ông cũng nghiên cứu làm bằng được mới thôi. Chiếc lò xo cán dẹt là một sản phẩm như thế, hàng Trung Quốc ngoài thị trường rất dễ gãy và vỡ, ông xây dựng cho mình một công nghệ uốn lò xo riêng để hàng của mình đạt độ bền và độ tinh xảo cao nhất.

Ông coi làm bánh răng là cái nghiệp. Giờ đây khi tay nghề đã tốt, làm cũng nhàn và không vất vả như hồi đầu, ông vẫn giữ thói quen tận dụng máy móc cũ, lấy những sản phẩm còn dùng được trong đó và sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình. Với ông, đó cũng là một cách thức để bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm mà lại tiết kiệm. Đến giờ, ông vẫn ngày ngày học hỏi để tìm ra những phương thức sản xuất mới, sản phẩm tinh xảo và tiến bộ hơn. Mỗi dịp đi du lịch nước ngoài, ông đều tranh thủ học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay, những sản phẩm “made by Vũ Hồng Quân” đã trải rộng khắp đất nước và ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để sáng tạo ra những sản phẩm tốt hơn nữa.

Ông khẳng định: “Tôi và đồng sự có thể làm ra những bánh răng khó nhất của chiếc máy photocopy với chất lượng cao nhất trong ngành cơ khí. Có những chiếc máy photocopy như chiếc máy OC nhập về Việt Nam với giá hơn 1 tỷ đồng. Làm bánh răng cho loại máy này cực khó nhưng tôi có thể làm được và bán cho những người cần với giá chỉ 850.000 đồng”.