Ơi Thổ Chu

Tùy vào cung đường biển, từ Rạch Giá đi thẳng ra Thổ Chu hoặc từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc rồi chuyển tàu đi Thổ Chu. Qua nhiều giờ lênh đênh trên biển thì nhìn thấy hình thể của đảo Thổ Chu. Đảo nổi trông như lưng con tàu ngầm khổng lồ được lớp cây xanh “ngụy trang” cho đảo!

Toàn cảnh bãi Ngự, đảo Thổ Chu.
Toàn cảnh bãi Ngự, đảo Thổ Chu.

1 / Qua dặm dài rời Phú Quốc, chạm vào ngưỡng của lênh đênh, trông vào cũng khơi, trông ra cũng khơi mịt mờ sóng vỗ, cảm giác như bị lạc giữa bốn bề mênh mông. Rồi thì thời gian có hậu cho những người ngóng chờ, đã nhìn thấy đảo. Đó là một hòn mờ mờ xa xa. Một cảnh quan nổi lên xanh xanh phía chân trời. Như một câu chuyện cổ tích kể trên sóng, Thổ Chu rõ dần trong mắt người ra với Thổ Châu.

Con tàu bẻ lái hướng mũi chênh chếch khơi. Mom đảo nhô ra biển lừng lững. Nhìn như hàm con cá mập, nhưng cái tên gọi vô cùng nhỏ bé: Mũi Nhạn. “Bật” ra ngoài mũi này có hòn Nhạn khi chìm lúc nổi. Con tàu chầm chậm chạy qua để vào bãi Ngự - nơi đó có hơn hai nghìn người dân với đơn vị hành chính xã Thổ Châu. Không thể nói khác được, ngay lúc này, khởi niềm háo hức sau hơn bảy giờ lênh đênh từ Phú Quốc. Lòng mong con tàu chạy nhanh hơn để được bước lên cầu cảng, để chạy trên những con đường nhỏ, để ngắm từng mái nhà Việt dưới bóng dừa lay gọi gió khơi.

Đảo xanh trên biển biếc, chiều hoàng hôn chầm chậm đổ dọc theo hướng tàu. Mũi Nhạn đá dựng đứng lộ ra một khoảng hực đỏ. Tàu gần mom giảm tốc độ, biển lặng gió, sóng yên ả nhưng trong lòng bao nỗi cồn cào. Cái khoảng hực đỏ kia mách bảo một điều chi? Giá có thể khóc được thì cũng khóc. Khóc vì niềm vui. Khóc vì một lần đến đảo. Khóc vì thế hệ cha ông, thế hệ các anh đã máu xương giữ đảo tiền tiêu. Để rồi bây giờ ra đảo trong yên ả hòa bình. Để được nắm tay, để nhận những cái ôm chầm mừng rỡ, để lâng châng những bước đi của một người chưa quen ngồi tàu lâu trên biển. Nhưng không hề chi. Đi trên đảo. Đi trên một phần đất của Tổ quốc. Sẽ nhận ra như vậy vì ở ngoài mom Nhạn trông như những vách đá trập trùng Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang... Nó gần gũi đến độ như mình đã sống ở đây, nó ruột thịt đến mức đỏ hực ở mom đảo của đất nước hàng nghìn năm binh lửa trận mạc. Người mất mát, đất đá cũng đau thương. Núi vẫn còn, sông biển vẫn còn và mỗi một người dù đất liền hay đảo xa đều nguyện giữ trong tiếng gà đêm, trong tiếng chim hót lúc ban mai không phút lơ là.

Qua hồi chậm chạp, tàu cập cảng như một cái ôm nhẹ của “kẻ đi, người ở” lại. Cầu cảng vững vàng chờ đợi, tàu nối hơi thở của đất liền với đảo thân thương. Con tàu - cầu cảng như cặp tình nhân hóa yêu thương, hiểu nhau từng nghĩa vụ, thông cảm mỗi khi xa, gắn chặt khi về bên nhau. Năm ngày một chuyến từ Phú Quốc, mười ngày một chuyến từ Kiên Giang. Mỗi một hải hành, người trên đảo cũng như cầu cảng đếm ngược thời gian. Ngày biển động thì khác, không còn sự đếm ngược thời gian mà mong cầu biển lặng, có khi lên đến vài chục ngày, kẻ ngóng bến này, người đợi bờ kia. Qua con sóng mới hiểu tình người. Qua nỗi chờ đợi mới nhận thấy sự gần gũi tâm tình biết mấy. Và cứ thế, cuộc gặp gỡ bỗng trở nên tíu tít, mặn nồng. Người í ới gọi, kẻ nắm tay dìu nhau bởi bao tiếng lênh đênh. Và một điều, khi vượt qua con sóng đã thành thương, thành mến.

2 / Quần đảo Thổ Chu nằm ở cực tây nam của Tổ quốc, có bảy hòn: hòn Lớn, hòn Cao, hòn Từ, hòn Xanh, hòn Chồng, hòn Đá Bàng, hòn Cao Cát; bốn bãi: bãi Ngự, bãi Dong, bãi Mun, bãi Nhất. Nhưng chỉ có hòn Lớn được gọi là Thổ Châu theo tên xã vì có dân sinh sống. Dân đảo Thổ Chu như loài chim biển di cư theo mùa. Mùa gió tây nam, đóng cửa gói ghém đồ di cư sang bãi Mun ở bốn tháng để tránh gió. Đến tháng chín, mùa gió bấc lại quay về Bãi Ngự ở cho đến hết tháng ba năm sau. Vì lẽ đó, nếu ra đảo vào mùa tháng tư đến tháng tám sẽ chứng kiến con tàu đổi hướng cập bến cảng bãi Mun. Sẽ thật là tiếc khi đi vào dịp đó thì không qua mũi Nhạn. Hòn Cao Cát như cú ném xa của kiến tạo địa chất, trên hòn này có bãi biển cùng tên và thềm đá Mài Mòn. Hình dạng hòn Cao Cát như con dơi xoải cánh mặt biển, có những bãi cát trắng mịn tinh khôi. Hòn Từ không có dân ở, vậy mà vẫn hiện diện một hàng dừa cổ thụ được trồng đều đặn ven biển, vài chiếc thuyền cũ bỏ bờ. Bãi biển Hòn Từ, theo thị giác phong cảnh, gợi một làng biển êm ả thân thương.

Bãi Ngự - cái tên nghe cung đình. Đó là năm Chúa Nguyễn Ánh 15 tuổi chạy trốn quân Tây Sơn đến đây. Tám năm, chúa ra đảo ba lần. Mặc dù khi lên làm vua, Gia Long không một lần về ngự nơi này. Trong đám quân của chúa, nhiều người ở lại lập nghiệp sinh sống trên đảo.

Đảo Thổ Chu bốn bề sóng vỗ, là điểm tựa cho ngư dân. Trên đảo có những cây thuốc quý để phòng ngừa, chữa bệnh. Đỗ trọng, bình linh, kim cang, huyết rồng, sâm đất, ngũ gia bì… được tìm thấy trên rừng ở đảo. Tết đến, bánh tét do người dân làm, bánh chưng do bộ đội gói. Nhưng hẳn sẽ là thiếu, rất thiếu một cái Tết trọn vẹn nếu như không có cành đào, cành mai. Ấy nhưng, thật kỳ lạ, những ngày áp Tết, mai trong rừng đảo Thổ Chu bung bông, xòe cánh. Người trên đảo vào rừng tìm cho mình một cành về trưng cắm trong nhà. Thế còn lá chuối để gói giò, nải chuối thắp nhang tổ tiên. Người dân trên đảo đã mang giống từ đất liền ra trồng và nay chuối đã hoàn toàn tự túc. Tết ở đảo đã vui, bộ đội thăm dân, dân cử đoàn chúc Tết bộ đội.

Đảo Thổ Chu - cảnh quan nổi, lịch sử thuần Việt, văn hóa làng chài, văn minh biển cả. Ra đảo sẽ được hướng dẫn lặn, dạy cách câu. Cái thú này trong đất liền thành dịch vụ nhưng ra Thổ Châu thành tình bạn. Thế mới biết, giữa biển cả người ta gần nhau hơn, siết chặt bàn tay với bàn tay hơn. Quần đảo Thổ Chu như thỏi bạc nâng lên từ biển - một cột mốc chủ quyền. Thổ Chu! Ơi Thổ Chu! Ngàn vạn năm của đảo, tạc vào tôi những biến ức trầm hùng.