Tiếng vọng văn Việt trên đất Pháp

Tháng 10-2012, khi “Tủ sách văn học Việt Nam đương đại” chính thức ra mắt tại Paris (Pháp) không ít người đã bày tỏ sự băn khoăn, nghi hoặc về tương lai của Tủ sách. Điều ấy liệu đã thay đổi sau ba năm hoạt động?

Tủ sách văn học Việt Nam đương đại được nhiều người quan tâm tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam tổ chức tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Paris) tháng 3-2014.
Tủ sách văn học Việt Nam đương đại được nhiều người quan tâm tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam tổ chức tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Paris) tháng 3-2014.

Cuộc phiêu lưu mạo hiểm?

Chủ trương và điều hành hoạt động của “Tủ sách văn học Việt Nam đương đại” (Tủ sách) là một nhóm các GS, PGS, TS và những nhà nghiên cứu tâm huyết với văn học Việt Nam thực hiện. Một nhóm có phần “tự phát”, không có tiềm lực về tài chính. Một đội ngũ hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Thế nhưng những người thực hiện Tủ sách vẫn khao khát: “Đã đến lúc phải cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới của Việt Nam”. Rõ ràng đây là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm! Nhưng nhóm không nghĩ như vậy. Bước đầu, họ đã thuyết phục được NXB Riveneuve đồng ý đỡ đầu cho Tủ sách.

Đã ba năm trôi qua. Dẫu chỉ là chặng đường ngắn nhưng là bước thử thách vô cùng quan trọng và là thước đo tính hiệu quả của Tủ sách. Kết quả có thể đánh giá qua những số liệu: 13 đầu sách đã được giới thiệu với những gương mặt văn chương tiêu biểu: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên… Bốn nhà văn Việt Nam đã được mời sang Pháp để tham dự các buổi tọa đàm về văn học và trực tiếp gặp gỡ và đối thoại, lắng nghe các phản hồi từ độc giả. Chỉ trong năm 2015, những nhà văn được Tủ sách chọn lựa đã tham gia đối thoại với giáo viên và học sinh trung học tại thành phố Bordeaux; tham dự bàn tròn “Các nhà văn Việt thế kỷ 21” tại Festival Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp tổ chức vào tháng 10 tại thành phố Limoges; nói chuyện tại Đại học Genève (Thụy Sĩ); gặp gỡ các nhà văn Việt đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Little Sài Gòn nhân dịp 40 năm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam tại Học viện Inalco (Paris); đối thoại với công chúng Pháp ngữ tại Hội chợ sách Pháp ngữ Beiruth (Lebanon).

Cánh cửa đã mở!

Điều quan trọng hơn đó là văn học Việt Nam đang được chuyển dịch sang một “ngôn ngữ mạnh”. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quảng bá dịch thuật, Pháp văn và Anh văn được coi là hai ngôn ngữ “ngoại hạng”, tạm gọi là ngôn ngữ “thống trị ” - với nghĩa tích cực - vì hai ngôn ngữ này là hai chiếc cầu nối lớn nhất của văn học thế giới. Điều đó có nghĩa là được dịch sang Pháp văn có thể coi là một thứ “danh thiếp” vô cùng thuận lợi cho một tác phẩm văn học nước ngoài nếu muốn xâm nhập thị trường quốc tế. Việc những người thực hiện Tủ sách văn học Việt Nam đương đại đã nỗ lực, tâm huyết và vượt qua nhiều khó khăn để giới thiệu các tác phẩm văn học “mang hơi thở thời đại hôm nay qua một lối viết chủ quan nhất, sáng tạo nhất” - thật sự đang góp phần mở ra một cơ hội lớn cho văn học Việt Nam.

Báo Francophonies du Sud số tháng 10-2015 đã đăng tải bài “Việt Nam, một thế hệ nhà văn mới” của tác giả Jean-Pierre Han - Tổng Biên tập tạp chí Văn chương Pháp - có đoạn: “Sự có mặt của văn học Việt tại Pháp đang có nhiều biến đổi, nhờ số lượng sách được dịch trong những năm gần đây, nhất là tại NXB Riveneuve, nơi Tủ sách văn học Việt Nam đương đại được thành lập, dưới sự chủ trì của dịch giả Đoàn Cầm Thi. Việc xuất hiện đông đảo các tác giả văn chương mới chứng tỏ một nền văn học thời bình đã thật sự thành hình tại Việt Nam. Nét mới nữa của văn học Việt Nam đương đại là sự đóng góp ngày càng mạnh mẽ của các nhà văn nữ…”.