Giữ hồn nghề cổ

Có những lúc khó khăn tưởng chừng như phải từ bỏ, nhưng bằng tình yêu của hơn 50 năm đời người với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức, bằng những nỗ lực và sáng kiến “độc nhất vô nhị”, đã gây dựng lại một nghề cổ từng bị bỏ quên.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên chiếc mền tơ do tằm tự dệt.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên chiếc mền tơ do tằm tự dệt.

Trước đây, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức từng được coi như “thủ phủ của dâu tằm”. “Các cụ trồng dâu nuôi tằm rồi cửi thì chân dần tay giật, dệt cái váy sồi váy đũi đã. Sau đấy, thì mới lên được cái cửi thủ công. Đời bà cô của bố tôi đã biết làm nghề thương mại ngành dệt, ký hợp đồng theo com-măng rồi mang ra phố Nguyễn Du, Hà Nội để bán. Từ đó đến tôi là đời thứ ba theo nghề, vẫn là quay tơ dệt lụa rồi cửi rồi thoi. Nói đến trồng dâu nuôi tằm cứ như là mở trang sách ra mà đọc ấy”, bà Thuận chia sẻ. Vậy mà, đến năm 1978, nghề này ở xã Phùng Xá bắt đầu bị “thất sủng”. Khi đó, HTX quyết định chuyển đổi cây trồng, không trồng dâu để nuôi tằm nữa. Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức cũng bỏ thu mua kén, hàng loạt thợ bỏ nghề.

“Bao nhiêu năm ròng rã sống chung với tằm, say mê thế này, làm sao bỏ nghề được cơ chứ?!”. Bà Thuận quyết giữ nghề. Thời gian đầu, bà đi nhặt nhạnh từng lá dâu bờ rào về nuôi tằm. Sau phát hiện ra nông trường Thanh Hà, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình trồng rất nhiều cây dâu lấy quả làm rượu vang, hằng ngày bà đạp xe ngược xuôi 22 km lên đó mua lá dâu người ta bỏ đi về cho tằm ăn. Tằm có ăn rồi, bà Thuận về xã kêu gọi bảy hộ gia đình khác quay lại làm nghề. Thời kỳ đó, khó khăn chồng chất khó khăn. Lúc này, HTX đã chuyển đổi sang trồng lúa, hoa màu, thường xuyên phun các loại thuốc sâu, diệt cỏ. Trong khi đó, con tằm luôn đòi hỏi phải sống trong môi trường sạch. Bên cạnh đó, là những khó khăn về nhân công khi trong bảy hộ gia đình, chỉ có ba hộ liên tục tham gia quá trình nuôi trồng và sản xuất.

Khó khăn và thách thức càng nhiều, nghệ nhân Phan Thị Thuận càng hiểu phải tìm lối đi mới. Ý tưởng bắt đầu nảy sinh khi bà quan sát những con tằm đan kén. Vốn là người hiểu tằm, bà Thuận biết rằng chúng có khả năng tự dệt chiếc vỏ bền chặt mà không một kỹ thuật dệt tay nào có thể sánh bằng. Vì vậy, bà tự hỏi: “Tại sao không để chính những con tằm là thợ, dệt nên những tấm chăn theo ý mình?” và “Làm thế nào để một con tằm không cuộn những sợi tơ thành một cái kén mà tạo thành một mặt phẳng?”.

Nghĩ vậy, bà Thuận liền thử nghiệm với lứa tằm đầu tiên. Bà thử không làm tổ cho tằm, để chúng nhả tơ tự do và theo dõi quá trình hoạt động. Vài chục con tằm do không có tổ, nên không thể cuộn tròn lại quấn kén theo lối thông thường. Tuy nhiên, do chức năng buộc phải nhả tơ khi đến kỳ, chúng không còn cách nào khác là phải nhả tơ vào không gian. Cứ như vậy, tơ của con này cuốn vào con kia, đan thành lớp nang dày như những chiếc kén được cán phẳng. Đem tẩy theo kỹ thuật truyền thống, tấm bông tơ xuất hiện.

Bà Thuận nhận định, kỹ thuật này hơn hẳn cả hai cách thức trước, tạo cho chiếc mền không đan, không dệt nhưng lại có độ gắn kết bền chắc tự nhiên. Không những thế, chúng lại tạo ra độ tơi xốp hơn hẳn các sản phẩm trước đây, đồng thời tiết kiệm khá nhiều công đoạn phức tạp như ươm, kéo tơ, cào bông và chần vải. Do đó, không còn cần sử dụng đến các máy móc, khung cửi. Không chỉ bảo đảm về mặt chất lượng, kỹ thuật mới này giúp giảm chi phí khá lớn, bởi với cùng một lượng nguyên liệu, số lượng nhân công có thể giảm đi một phần ba so kỹ thuật cũ. Cũng nhờ vậy thu nhập của người làm nghề tăng đáng kể.

Kỹ thuật mới đòi hỏi sự tính toán tỉ mỉ, cầu kỳ trong mọi công đoạn, từ lượng, chất nguyên liệu, đến môi trường sống, quá trình phát triển của tằm, cách chăm sóc và sắp xếp vị trí tằm để bảo đảm chất lượng của tấm kén. Chỉ cần một sơ suất nhỏ như ánh sáng, nhiệt độ và tiếng ồn không phù hợp sẽ không thể cho ra kết quả như mong đợi. Đằng sau sản phẩm là hai năm trời thử nghiệm ròng rã cùng mồ hôi, nước mắt. Bà nói: “Năm 2010, khi tôi nói ra ý định, chồng con không một ai tin. Nhưng đã quyết tâm, tôi dồn tất cả tiền bạc, công sức, trí tuệ vào đó, bắt đầu từ việc xây nhà xưởng. Ban đầu cũng khó khăn, bởi không ai ủng hộ mình, cả gia đình lo lắng là cứ thế này lấy gì mà ăn, không thành công thì dân làng người ta cười” . Rồi sau đó là những tháng ngày miệt mài tính toán để đưa ra những công thức hợp lý, những đêm thức trắng theo dõi tằm nhả tơ. Cũng không biết đã phải thất bại bao nhiêu lần cho đến lúc thành công và được công nhận vào năm 2012.

Những nỗ lực của nghệ nhân Phan Thị Thuận đạt những kết quả tích cực. Bà được nhận bằng khen, chứng nhận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao tặng. Trong tương lai, kỹ thuật này sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống cũng như tạo tiềm năng lớn cho ngành tằm tơ Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Như cách mà nghệ nhân Phan Thị Thuận bày tỏ: “Mong muốn bao nhiêu năm nay của tôi là tơ tằm Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn của quốc tế. Bằng kỹ thuật này, tôi muốn chứng minh cho bạn bè thế giới thấy, người Việt Nam mình chẳng thua kém ai”.

“Hàng chục năm trời, tôi chăm tằm hơn chăm bản thân, mình có thể gầy một chút nhưng tằm thì nhất định không được. Hơn nữa, nghề tổ để lại, là phận con cháu, phải giữ chứ”.