Tưởng vậy nhưng không hề đơn giản. Suốt nhiều năm đầu, sản phẩm bán ra thị trường không nhiều. Bà kể: “Mãi đến năm 2007, Cục Phục vụ ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao qua lời giới thiệu đến đặt mua lạp xường và bánh chưng làm quà cho các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài”. Bà nảy ra ý định đưa sản phẩm của gia đình xuất khẩu. Nhưng được giải thích bà mới biết hàng nhà mình chỉ gửi được xách tay vì sản phẩm chưa đăng ký thương hiệu.“Làm gì có ai nghĩ đến đăng ký thương hiệu, thậm chí lúc đó tôi còn chả biết thương hiệu là gì, có chức năng gì”, bà Tâm nói.
Sau nhiều ngày trăn trở, bà quyết không giậm chân tại chỗ: “Nếu không đăng ký thương hiệu thì mãi mãi không thể vươn lên. Tôi có cơ hội biết điều đó, nếu không nắm bắt sẽ đánh mất”. Vậy là bà chủ lò lạp xường gia đình khăn gói đi khắp nơi “tìm đường” đăng ký thương hiệu. Lúc đầu, bà Tâm tìm đến Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng... nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đôi phần lo lắng, nhưng bà không nản lòng: “Tôi nghĩ ở phố núi không ai hay nhưng Hà Nội chắc chắn có thông tin. Làm gì phải làm đến cùng mới được”. Bà Tâm dồn tiền xuống Thủ đô dò dẫm. Lần mò, hỏi tìm qua từng người bạn, phải đến cả tuần, bà mới tìm được ra một công ty tư vấn. Tổng chi phí để đăng ký thương hiệu Tâm Hòa tới gần 15 triệu đồng - một số tiền không hề nhỏ: “Phân vân lắm chứ, vốn liếng cũng chả hơn từng đấy là bao. Hỏi ai cũng dè: Bỏ ra từng đó là hoang phí và sẽ lỗ nặng”. Đắn đo mãi nhưng rồi suy nghĩ: “Làm kinh doanh phải đi trước người khác một bước mới đến được thành công”.
“Tâm Hòa” ra đời phải đối diện nhiều khó khăn. Hai năm tiếp theo, sản phẩm Tâm Hòa dù đáp ứng được nhu cầu ở thị trường trong tỉnh nhưng ngoài tỉnh vẫn “nhỏ giọt” khách quen. Không ai biết, chính việc kiên trì phục vụ bằng sản phẩm chất lượng mang tên Tâm Hòa với số ít đó đã dần khẳng định giá trị thương hiệu trong lòng người phương xa.
Tháng 6-2012, chủ thương hiệu Tâm Hòa quyết định thành lập Hợp tác xã Tâm Hòa với mong muốn đưa cả đặc sản Cao Bằng của người nông dân ra thị trường. Sau khi Hợp tác xã được thành lập, tháng 6-2012, sản phẩm thương hiệu Tâm Hòa được Bộ Công thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đến cuối năm 2015, bà đã là chủ của ba đại lý lớn ở Cao Bằng cùng 21 đại lý, siêu thị phân phối ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước chuyên bán sản vật Cao Bằng. Cũng trong năm này, hai món lạp xường và jambon của bà Tâm vượt qua 600 sản phẩm toàn quốc để đạt danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp nông thôn cấp quốc gia.
Cho đến bây giờ, vẫn chỉ có Tâm Hòa là thương hiệu thực phẩm duy nhất tại Cao Bằng được đăng ký với đầy đủ kiểm định chất lượng cũng như bảo hộ về độc quyền sản phẩm.
Một câu chuyện thành công khác của bà Tâm là đưa Tâm Hòa trở thành đơn vị duy nhất được Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) chọn đầu tư giai đoạn hai trong dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo, một dự án cấp vốn để doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ nông dân thoát nghèo. Nhưng đạt được điều đó chính bởi sự chèo lái vững vàng của “bà thuyền trưởng” vượt qua chặng đường chông gai từng khiến ba doanh nghiệp khác trong dự án bị IFAD “đánh trượt thảm hại”.
Hợp tác xã Tâm Hòa bắt đầu tham gia dự án do IFAD Việt Nam tổ chức vào năm 2013 là một ngoại lệ đặc biệt. Bà Tâm kể lại: “Hai chuyên viên thị trường sau khi khảo sát mô hình hoạt động đã quyết định mời Tâm Hòa vào dự án. Mặc dù vậy, khó khăn nhất là việc chúng tôi nằm ngoài vùng dự án”. Cơ sở của bà Tâm đặt tại thành phố Cao Bằng thay vì nông thôn. Nhưng lãnh đạo IFAD tại Cao Bằng vẫn tín nhiệm ủng hộ bà gia nhập dự án vì hiểu rõ khả năng và quyết tâm của bà: “Họ tin tôi sẽ là cầu nối vững chắc đối với nông dân vì tôi luôn làm giàu song hành với việc thoát nghèo của người nông dân”. Thật vậy, HTX Tâm Hòa từ lâu đã trở thành đầu ra bền vững đối với người nông dân ở nhiều huyện Cao Bằng với những sản phẩm luôn có chất lượng và giá thành tốt nhất. “Chúng tôi tìm kiếm sự tín nhiệm của người nông dân bằng việc chia sẻ cả những rủi ro giá cả. Hàng mất giá, chúng tôi thu mua thấp. Mùa lễ, Tết, chúng tôi trả cao nên họ tin tưởng”.
Giai đoạn đầu, Dự án IFAD hỗ trợ Tâm Hòa 189 triệu đồng, một chiếc máy sấy thực phẩm. Cùng với đó là ba doanh nghiệp khác tại Tuyên Quang, Quảng Bình và Bắc Cạn cũng được lựa chọn vào trong dự án với mức đầu tư lớn hơn nhiều. Tháng 12-2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng IFAD tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn một để đánh giá và lựa chọn cấp vốn cho giai đoạn hai. Ở đây, ba doanh nghiệp ở tỉnh bạn lần lượt bị lãnh đạo IFAD loại ra khỏi dự án do những bất cập trong triển khai và sử dụng vốn thiếu hiệu quả. Đoàn Cao Bằng tham luận cuối cùng không khỏi lo lắng. Bà Tâm lại càng lo: “Tôi run lắm, chữ nghĩa trong bản tham luận được trưởng đoàn chuẩn bị hộ bay đi hết. Tôi quyết định tự lên trình bày bằng chính ngôn từ và những gì mình có”. Bà trình bày đơn giản những gì Hợp tác xã Tâm Hòa cùng người nông dân làm được chỉ với 189 triệu đồng tài trợ từ dự án. Cả khán phòng vỗ tay trầm trồ và IFAD ngay lập tức đồng ý cấp vốn giai đoạn hai vào năm 2016 để xây nhà xưởng và mua ô-tô cho Tâm Hòa. Kỳ tích vượt qua sự khó tính của “người Tây” đó giờ vẫn là câu chuyện lưu truyền trong giới kinh doanh tại Cao Bằng.