Dấu ấn Việt Nam

Thỏa thuận của Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (COP-21) đã được 195 nước thông qua tại Paris (Pháp) ngày 12-12-2015. Trong niềm vui chung sau suốt hai tuần làm việc căng thẳng, có lúc tưởng chừng không thể đạt đồng thuận, Việt Nam tự hào được đóng góp vào thành công này, đưa ra những ý kiến mang tính chất thúc đẩy và thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất để COP-21 đạt kết quả như mong đợi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Đối thoại cấp cao về thích ứng BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long tại Paris.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Đối thoại cấp cao về thích ứng BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long tại Paris.
Dấu ấn Việt Nam ảnh 1

Áp-phích treo bên ngoài gian trưng bày của EU quảng bá cho dự án của Bỉ hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến lược tăng trưởng xanh.

Các bên cùng thắng

12-12-2015 được coi là ngày lịch sử của hành tinh chúng ta vì các bên tham gia Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đồng tâm nhất trí xây dựng hướng đi cụ thể hướng tới một thế giới mới. Thỏa thuận COP-21, giờ có thể gọi là Thỏa thuận Paris, khẳng định mục tiêu giữ nhiệt độ tăng của Trái đất dưới 2 độ C, hơn thế mục tiêu tham vọng là 1,5 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp đã được ghi vào thỏa thuận. Thành công bất ngờ này có được nhờ sự kiên định của các nước nghèo, đang phát triển và bị ảnh hưởng nhất cùng sự chia sẻ có trách nhiệm của các nước công nghiệp phát triển.

Tới ngày cuối cùng của COP-21, có 186 nước, trong đó có Việt Nam, đưa ra kế hoạch hành động quốc gia để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này rất có ý nghĩa vì trước đó trong tháng 10-2015, Cơ quan điều hành UNFCCC đánh giá rằng nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2,7-3 độ C dù các nước đã tích cực hành động chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Chính vì vậy, Thỏa thuận Paris đề ra mục tiêu mạnh mẽ hơn là các nước sẽ xem xét lại kết quả hành động, điều chỉnh đóng góp tài chính nhiều hơn cho hoạt động giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cứ 5 năm một lần xem xét việc thích ứng BĐKH. Các nước cũng cần sớm đạt đỉnh phát khí thải để đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Đây là một bước ngoặt thật sự để thúc đẩy các nước tiến tới ngừng sử dụng năng lượng hóa thạch được xác định là gây ra mức độ ô nhiễm cao nhất.

Trở ngại, thách thức tại COP-21 đã qua nhưng các đoàn đàm phán chắc không quên quãng thời gian căng thẳng nhất trong ngày cuối. Đàm phán tại COP-21 kéo dài thêm nhiều giờ và tưởng chừng đổ vỡ vào những phút chót. COP-21 không thể kết thúc thành công nếu các nước phát triển và đang phát triển khăng khăng bảo vệ lợi ích riêng, đồng thời đòi nước khác phải đi đầu hay kiên quyết cho rằng đó không phải là trách nhiệm của mình.

Rồi sự đồng thuận đã làm nên Thỏa thuận Paris có tính ràng buộc pháp lý. Hy vọng đã lóe sáng ở những giờ phút cuối cùng. Thế giới đã tìm được tiếng nói chung để cùng nhau xây dựng tương lai xanh tươi hơn cho thế hệ sau. Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố: Đây là cuộc cách mạng đẹp nhất, có tính bền vững, lâu dài, bảo đảm công bằng, cân bằng về BĐKH, là sự kiện mà người dân của tất cả các nước trên thế giới đều thắng.

Dấu ấn Việt Nam ảnh 2

Không khí vui mừng khi Thỏa thuận Paris được thông qua.

Viết nên trang sử mới

Ở Việt Nam trong 50 năm qua, tác động của BĐKH đã rõ nét, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5 độ C trên phạm vi cả nước, lượng mưa có xu hướng giảm ở phía bắc, tăng ở phía nam, thiên tai, bão, lũ gia tăng, nước biển dâng khoảng 20 cm…

Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước và sức khỏe con người, Việt Nam chủ động hành động để giảm tác động của BĐKH và thích ứng BĐKH. Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã xây dựng các văn bản, từ chủ trương của Đảng, Nhà nước đến các văn bản pháp luật liên quan BĐKH một cách đồng bộ, tích cực hợp tác với các đối tác phát triển. Những thành tựu quan trọng trong hoạch định và áp dụng các chính sách liên quan BĐKH, với cam kết mạnh mẽ trong việc cắt giảm khí thải nhà kính của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ủng hộ.

Tại phiên khai mạc, trước các nguyên thủ tham dự COP-21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình, kế hoạch về ứng phó BĐKH trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trong UNFCCC và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020... Đối với giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Đối thoại cấp cao về thích ứng BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), qua đó xúc tiến, thúc đẩy sự quan tâm của các đối tác phát triển với vấn đề BĐKH ở Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL, nơi bảo đảm an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực và thế giới. Việt Nam chủ động đề ra những sáng kiến, cơ chế hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về thích ứng BĐKH.

Tham dự COP-21 với vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về BĐKH, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, Thỏa thuận Paris đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển và bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH trong đó có Việt Nam, nước thể hiện rõ quyết tâm và cam kết chính trị cao nhất cùng với những đóng góp tích cực và trách nhiệm vào quá trình đàm phán. Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp ý kiến tại các phiên họp nhóm cũng như phiên họp toàn thể, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam cũng như xây dựng thỏa thuận. Sự tham gia tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP-21 được nhiều quốc gia đánh giá cao. Bên lề COP-21, các hoạt động đa dạng, phong phú của Việt Nam như hội thảo, triển lãm hình ảnh thành tựu ứng phó BĐKH ở Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của nhiều quan khách.

Đối với cam kết của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân sẽ chuẩn bị lộ trình triển khai từ việc cắt giảm khí thải đến hành động chống BĐKH. Việt Nam cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp thỏa thuận đã ký kết. Khi đi vào thực hiện, Thỏa thuận Paris sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác đa phương và song phương. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường khả năng thích ứng BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp theo hướng bền vững…

Việt Nam đã cùng các nước tham gia COP-21 viết nên một trang sử mới và sẽ tiếp tục hành động tích cực bảo vệ Trái đất và xây dựng một thế giới an toàn hơn cho hôm nay và mai sau.