Trữ nước ngọt bảo vệ vườn cây tiền tỷ

Vùng đất Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nổi tiếng với vườn sầu riêng đặc sản và chuyên sản xuất cây giống, hoa kiểng. Những năm gần đây, khi nước mặn xâm nhập sâu, người dân đã chủ động dùng nhiều cách để trữ nước ngọt, bảo vệ vườn cây tiền tỷ của gia đình mình…
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đầu tư hơn 160 triệu đồng để đào ao trữ nước ngọt.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đầu tư hơn 160 triệu đồng để đào ao trữ nước ngọt.

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Nguyễn Văn Định, 68 tuổi, đã chủ động trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới cho 9.000m2 cây giống, hoa kiểng. Gia đình ông Định thay đổi cách sản xuất khoảng 5 năm nay vì thời tiết bất thường, nước mặn xâm nhập tới vùng sản xuất của người dân ở xã Vĩnh Thành.

Ông Định cho biết: "Tôi trồng cây giống, hoa kiểng đã hơn 50 năm nay nhưng gần đây mới chứng kiến cảnh nước mặn vô tới mương vườn. Năm 2016, nước mặn lần đầu xâm nhập tới vườn cây của người dân gây thiệt hại rất lớn. Năm 2020 lại tái diễn nên người dân buộc phải chủ động trữ nước ngọt. Vùng đất vốn bốn mùa nước ngọt quanh năm ở xứ Cái Mơn này giờ hầu như không còn nữa, ai cũng phải lo trữ nước ngọt để sử dụng vào mùa khô vì thời tiết rất thất thường".

Giữa tháng 3, trời nắng như đổ lửa. Nước ngoài sông lớn đã bắt đầu mặn nhưng người dân nơi đây rất yên tâm vì đã chủ động trữ nước ngọt. Dẫn chúng tôi ra khu vườn, ông Định bật cầu dao điện, hệ thống tưới tự động phun khắp vườn làm mát hàng trăm gốc mai vàng, cau kiểng có giá trị kinh tế rất cao. Ông Định cho rằng, mùa nắng nóng gay gắt này người dân rất quý nước ngọt để tưới vườn cây. Vì vậy, nhà nào cũng lo trữ bằng mọi cách để có nước tưới, giúp cây trồng vượt qua thời điểm hạn, mặn gay gắt trong năm.

Theo ông Định, những hộ chung quanh yên tâm vì đã có hai lớp cống bảo vệ. Theo đó, một lớp cống ngoài sông đã ngăn mặn để phục vụ nước tưới cho người dân trong vùng và một lớp cống còn lại người dân tự đầu tư để trữ nước. Nếu nước mặn có rò rỉ, xâm nhập vào cống thứ nhất thì đến cống thứ hai đã bị chặn lại. Gia đình ông Định đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để đắp bờ bao chung quanh, làm cống để chủ động lấy nước ngọt cũng như ngăn nước mặn tràn vào. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông chuyên trồng cau kiểng, mai vàng, cây giống… trị giá hàng tỷ đồng được bảo vệ an toàn.

Gần đó, hộ ông Nguyễn Văn Hùng không trữ nước ngọt trong mương vườn mà dành riêng 1.200 m2 đất để làm ao, lót bạt trữ nước ngọt phục vụ tưới cho 1,3ha đất trồng cây giống, hoa kiểng của gia đình. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Mùa hạn, mặn cuối năm 2020, gia đình tôi bị thiệt hại gần 500 triệu đồng do nước mặn làm chết hơn 30% tổng số lượng cây giống. Để ứng phó, ngay năm sau tôi buộc phải đầu tư 160 triệu đồng để làm hồ chứa nước ngọt sâu 6m, đáy lót bạt để chứa khoảng 6.500m3 nước ngọt. Từ đó tới nay, ao chứa nước này đã phục vụ nước tưới, bảo vệ vườn cây giống, hoa kiểng an toàn trong mùa hạn, mặn. Hiện, hầu như gia đình nào ở đây cũng trữ nước ngọt phục vụ sản xuất vì vườn cây kiểng, cây giống giá trị cao, không có nước ngọt tưới, cây chết sẽ bị thiệt hại rất lớn"…

Toàn xã Vĩnh Thành hiện có 1.286ha đất nông nghiệp chuyên trồng sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, hoa kiểng và cây giống với giá trị kinh tế rất cao. Mỗi năm, nơi đây cung cấp khoảng 7 triệu sản phẩm hoa kiểng và 12 triệu sản phẩm cây giống cho thị trường cả nước.

Bà Nguyễn Thị Ngọc My, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Vĩnh Thành cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 300 cống lớn, nhỏ giúp ngăn mặn, trữ nước ngọt trong mùa khô. Trong đó, một số cống được người dân đóng góp đầu tư theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân tự quản trong việc đóng, mở cống để phục vụ sản xuất. Nhà nào cũng có hệ thống trữ nước ngọt như dùng túi vải, đào ao, trữ nước trong mương vườn… để bảo vệ vườn cây. Ngoài ra, địa phương thường xuyên đo độ mặn ở các cửa sông và thông báo trong nhóm Zalo của các ấp, hệ thống truyền thanh xã để người dân chủ động ứng phó.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách, Phạm Anh Linh cho biết, toàn huyện có hơn 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất cây giống, hoa kiểng, trồng cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, bưởi, măng cụt… Ngay từ đầu năm 2023, huyện đã triển khai các giải pháp ứng phó hạn, mặn, nên đến thời điểm hiện tại, dù mặn xâm nhập sâu nhưng vẫn bảo đảm đủ nước ngọt cho người dân sản xuất, sinh hoạt. Người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó hạn, mặn như đo độ mặn trước khi tưới, tìm hiểu thông tin diễn biến mặn để có kế hoạch sản xuất phù hợp.