Kiên Giang phát triển nghề nuôi biển

Tỉnh Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.200 km2, sở hữu tiềm năng lớn về tài nguyên biển. Kiên Giang xác định, kinh tế biển, trong đó nghề nuôi biển, sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới...
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên nuôi cá bằng lồng bè trên biển.
Người dân xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên nuôi cá bằng lồng bè trên biển.

Tình trạng khai thác quá mức trong thời gian dài đã khiến ngư trường ở Kiên Giang bị suy giảm nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến biển ngày càng giảm.

Vì thế, để hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, ngoài tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng cắt giảm số lượng tàu cá, sắp xếp lại ngành khai thác phù hợp, bảo đảm sinh kế cho ngư dân gắn với tái tạo nguồn lợi thủy sản, tỉnh Kiên Giang đang thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn.

Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân... Bước đầu, đề án này đã thu được một số kết quả trong thực tế.

Năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang có 3.870 lồng nuôi cá trên biển, sản lượng thu hoạch 3.910 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 1,65%/năm. Các đối tượng nuôi chính gồm: Cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm,... tập trung tại huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên.

Nuôi biển đã đóng góp lớn vào sản lượng thủy sản của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, tái sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng gỗ truyền thống sang lồng nhựa HDPE đem lại hiệu quả cao với năng suất bình quân 16,02 kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5 kg/m3.

Ông Mai Văn Hiệp ở ấp An Phú, xã Nam Du, huyện Kiên Hải được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE thuộc dự án Khuyến nông Trung ương. Qua 6 tháng nuôi, cá phát triển tốt, trọng lượng đạt 800g/con, tỷ lệ sống 91,9%.

“Lồng nhựa có thể chịu được sóng to, có độ bền hơn, có thể nuôi ngoài khơi. Tôi sử dụng thức ăn công nghiệp nên cá ít bệnh, tỷ lệ sống cao. Với mô hình mới này, hy vọng người nuôi có lợi nhuận khá hơn”, ông Hiệp chia sẻ.

Từ năm 2022 đến nay, bà Võ Thị Thắm ở xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải thả nuôi cá mú trân châu, cá cam, cá bớp, cá hồng mỹ, cá chẽm, cá chim vây vàng,... trong 40 lồng nhựa HDPE. Trong quá trình nuôi, hộ bà Thắm được tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ nên mang lại hiệu quả cao. Bình quân mỗi năm gia đình bà xuất bán gần 40 tấn cá các loại, thu lời khoảng 1 tỷ đồng/năm...

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã phát triển 65 lồng nuôi cá biển bằng vật liệu HDPE với quy mô 3.531 m3, đối tượng nuôi gồm cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng. Năm 2024, tỉnh đề ra kế hoạch nuôi cá lồng bè với quy mô 4.000 lồng, sản lượng khoảng 4.400 tấn.

Hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đang triển khai 9 điểm nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE; đồng thời đề xuất Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục xây dựng đề án phát triển nuôi biển bằng lồng HDPE, sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho cá kết hợp trồng rong biển nhằm đa dạng đối tượng nuôi và góp phần giảm phát thải khí carbon...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh ưu tiên phát triển mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật về vật liệu mới như kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực, sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời.

Cùng với đó, tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh trên đàn cá, các biện pháp xử lý dịch bệnh, khống chế dịch bệnh; các quy định pháp luật về đăng ký, cấp phép nuôi biển; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi gắn với quan trắc môi trường nước và nâng cao năng lực chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản...

Theo kế hoạch, đến năm 2025, dự kiến toàn tỉnh Kiên Giang sẽ có 7.500 lồng nuôi, tương đương sản lượng 29.890 tấn; diện tích nuôi biển ven bờ 25.500 ha, sản lượng 83.850 tấn. Đến năm 2030, số lượng lồng nuôi biển của tỉnh tăng lên 14.000 lồng, diện tích nuôi biển ven bờ đạt 26.900 ha.

Thực tế hiện nay cho thấy, nuôi biển là giải pháp hữu hiệu nhất để người dân ven biển, không chỉ ở Kiên Giang, có thể vươn lên làm giàu, hạn chế tình trạng cạn kiệt tài nguyên...