Trong bộn bề biển đảo

Dải đất bên mé biển thuộc thị trấn Dương Ðông nơi đơn vị ra-đa của bạn tôi đứng chân suốt bao năm giờ đã thành khu du lịch nghỉ dưỡng đẹp nhất nhì Phú Quốc. Hơn hai mươi năm trước, chuyến đi cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 khảo sát thế trận kinh tế - quốc phòng trên đảo phải vượt qua những con đường đất đỏ gồ ghề và lầy lội. Giờ xe đã chạy vo vo trên những thảm nhựa và đất nện phẳng lì.

Xưa bãi biển Dương Ðông đẹp một cách buồn tẻ, là trung tâm vui chơi giải trí khá nghèo nàn của cả một vùng đảo, nay tấp nập khách du lịch và người địa phương, vẻ đẹp và niềm vui như hòa lẫn. Cả hai cầu cảng Hà Tiên và Rạch Giá cùng hai đường hàng không từ TP Hồ Chí Minh và Rạch Giá đi Phú Quốc, mỗi ngày đến chục chuyến tàu cao tốc và máy bay mà có lúc không đáp ứng nổi nhu cầu của du khách muôn phương. Chợ đêm Dinh Cậu ngập tràn những sản phẩm biển, từ la liệt quán ăn nhậu đến những quầy hàng mỹ nghệ và quà lưu niệm muôn hình vẻ.

Tôi lang thang suốt chợ đêm và không còn cảm thấy cô đơn như ngày nào đứng lặng trên cây cầu Nguyễn Trung Trực vắt ngang con sông hẹp Dương Ðông nhìn những chiếc tàu cá trễ nải cặp bờ mà nhớ về đồng đội bên kia nước bạn với những câu thơ buồn. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với đội dân quân tự vệ thị trấn Dương Ðông của những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đầy nhiệt huyết.

Những tấm ảnh chúng tôi chụp dưới chân núi đá Dinh Cậu quanh năm trắng òa sóng biển giờ đã nhòe mờ. Không biết đợt trở lại này tôi có gặp lại ai? Lớp lứa ấy giờ đã bốn, năm mươi cả rồi! Trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn và hứng khởi hôm nay, họ đang ở đâu, liệu có chân trong hàng trăm dự án đầu tư đang dồn dập đổ về?

Trước khi ra đảo tôi đã mừng thầm khi biết rằng mới đây tỉnh Kiên Giang đã làm rõ hơn những thông tin về đầu tư vào Phú Quốc. Rằng, sân bay quốc tế, cảng biển, đường quanh đảo, xuyên đảo, điện, nước sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2011. Ðến cuối năm nay, những tiêu chí về đầu tư sẽ hoàn tất với cam kết bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhà đầu tư...

Có cảm giác vẻ lạc quan thái quá một cách dễ dãi ngày nào đang dần thay bằng những tính toán thực tế và chín chắn hơn. Và đó là tín hiệu mừng. Vì như thế sẽ bớt được những quyết sách mơ hồ, điều dễ xảy ra với những vùng đất giàu tiềm năng nhưng vốn bị ngủ quên lâu ngày. Nghĩ vậy, tôi đã chọn ba địa bàn có đặc điểm khá khác nhau và không phải là nơi thuận lợi nhất Phú Quốc theo cách nhìn của nhà đầu tư, mong lý giải một điều gì đó.

Nhìn trên bản đồ, An Thới, Gành Dầu, Hàm Ninh thuộc về ba đỉnh của "tam giác Phú Quốc". Ở vị trí chót mũi tây nam đảo, nơi có nhà lao Cây Dừa nổi tiếng, An Thới được dành cho khu du lịch hỗn hợp, có cảng du lịch cho tàu tải trọng hai nghìn khách. Cạnh đó là khu du lịch Bãi Sao với các khách sạn đạt tiêu chuẩn bốn, năm sao. Hiện dự án Biển Ðông đang được triển khai.

Ðây là công trình xây dựng cảng An Thới (Công ty Ðông Dương liên doanh với Australia) có quy mô lớn gồm khu vực cảng đầu mối và khu cảng chuyển tải (bến phao) với năng lực thông quan 280 nghìn tấn và 440 nghìn hành khách/năm. Nằm ở phía tây bắc đảo với Bãi Dài nổi tiếng thế giới, Gành Dầu được dành cho khu du lịch sinh thái chất lượng cao và khu dân cư làng chài. Tập đoàn Starbay Holdings Ltd. thuộc British Virgin Islands phát triển một dự án hơn 1,6 tỷ đô-la Mỹ vào đây.

Với vốn đầu tư này, dự án phát triển khu phức hợp mang tên Dai Beach Resort bao gồm các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf, biệt thự khách sạn và các căn hộ cho thuê, các khu thương mại, các tiện ích hội nghị, giải trí và các dịch vụ hội thảo khác. Nằm bên bờ biển phía đông, Hàm Ninh được dành để phát triển khu du lịch hỗn hợp cùng với cảng và khu du lịch biệt thự vườn... Hàm Ninh cũng là nơi sẽ đón đường điện cáp ngầm từ đất liền ra đảo, một dự án quan trọng đang được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó...

Chỉ lướt nhanh vậy cũng đủ thấy hướng phát triển của Phú Quốc sẽ không là Hawai, Bali hay Phuket như một số nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng. Phú Quốc sẽ là đảo du lịch sinh thái chất lượng cao. Vấn đề bây giờ là thực lực. Tuy nhiên, ngoài một số dự án đang có phương án đền bù, nhìn chung triển khai rất chậm. Trên đường đến thăm các khu đất dự án, anh Nguyễn Trường Tồn, Chủ tịch thị trấn An Thới giọng xa và buồn:

- Thú thật, không ít người dân trong vùng dự án tâm trạng bất an. Mối lo lớn nhất là không biết mai đây họ sẽ bị di dời đi đâu, bởi khu tái định cư chỉ nghe nói chứ thực tế còn xa vời. Trong khi dự án treo như căn bệnh trầm kha ở nhiều địa phương đã như một ám ảnh, khiến dân thiếu tin tưởng vào khả năng tài chính của các nhà đầu tư, cho rằng chỉ là sự vẽ ra mà kiếm chác. Tôi bảo:

- Muốn an dân, không cách nào khác là phải nói đúng, làm thật.

- Ðành vậy! - Nguyễn Trường Tồn vẻ không vui - Nhưng có nhiều việc chúng tôi ở thế bị động...

Tôi hiểu và cảm thông với tâm trạng ấy. Càng thấy quý những gì mà người dân xã Hàm Ninh đã làm được. Với phương châm nhỏ thì chủ động tự lo, hệ thống giao thông trên địa bàn Hàm Ninh mấy năm nay được cải thiện rõ rệt. Phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm được vận dụng triệt để. Mới đây, việc xây dựng bờ kè đá sông Rạch Hàm dài gần một cây số, kinh phí hàng trăm triệu cũng do dân đóng góp. "Ðơn giản là dân thấy rõ việc xây bờ kè có lợi cho chính họ, vừa bảo vệ dòng sông vừa giữ sạch môi trường sống" - Câu nói của Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Hạnh chẳng có gì mới, vậy mà để làm được, quả không dễ chút nào.

Chợ Hàm Ninh cải tạo lại cũng bằng kinh phí dân đóng góp tới 250 triệu đồng. Cũng với cách làm như vậy, việc giải quyết khiếu kiện đất đai được xã Hàm Ninh làm nghiêm từ cơ sở. "Nếu mâu thuẫn từ bà con thì tổ chức để bà con bàn thảo. Vấn đề của người dân trước hết để người dân tự giải quyết thông qua vai trò tự quản và tổ hòa giải, chính quyền giữ vai trò định hướng. Nếu mâu thuẫn với chính quyền hay nhà đầu tư thì người có trách nhiệm phải trực tiếp đối thoại với dân, không chỉ giải thích mà quan trọng hơn là sai đâu sửa đấy. Như vậy sẽ hạn chế được khiếu kiện và bình ổn môi trường đầu tư" - Chuyện này cũng chẳng mới gì, tôi nghĩ vậy. Nhưng sao vẫn chưa nhiều địa phương làm được?

Nỗi bức xúc tìm một mô hình phù hợp hơn cho Phú Quốc để có thể phát huy tốt nhất thế mạnh của mình như ngày một đầy thêm. Nhưng chính những người trực tiếp quản lý phải thấy rõ hơn ai hết những mạnh yếu của địa phương từ thực chất chứ không phải cứ nói theo và làm bắt chước nhau với một "sức ỳ sáng tạo".

Trước 2006, cơ cấu kinh tế là lấy hải sản làm mũi nhọn, nay chuyển sang dịch vụ, du lịch... Ai cũng thấy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, hiệu quả đã góp phần thay đổi cách nghĩ cách làm và phép ứng xử. Ðây là bước chuyển cơ bản cả về quan niệm lẫn tư duy. Nhưng tại sao địa phương nào cũng coi du lịch là thế mạnh nhất mà thực tế khai thác lại rất hạn chế. Khách đến Phú Quốc có cảm giác như thăm vùng hoang sơ, dù đây là loại hình du lịch người nước ngoài rất ưa chuộng.

Vậy là do lúng túng trong quy hoạch và khai thác mà chịu bỏ qua một nguồn thu lớn. Mong sao các nhà quản lý nhận được từ đây những gợi ý bổ ích. Càng ngày con người càng coi trọng cái nguyên bản của thiên nhiên, vì vậy khai thác du lịch là phải biết nương theo thiên nhiên, vừa khai thác vừa bảo vệ và nuôi dưỡng.

Càng thấu hiểu nỗi lòng của anh Võ Thành Nam, Chủ tịch xã Gành Dầu, nơi không chỉ có Bãi Dài nổi tiếng mà có cả một khu vườn quốc gia quý hiếm, rằng: "Mong các dự án đầu tư được triển khai thực hiện đúng tiến độ, đầu tư trên cơ sở bảo vệ và không xâm hại rừng, không hủy hoại vẻ hoang sơ của rừng và bãi biển tự nhiên".

Muốn phát triển bền vững, tính cân đối hài hòa được gì mất gì đều phải tính toán hết sức kỹ lưỡng. Nói trọng tâm là mô hình phát triển kinh tế biển đảo, du lịch sinh thái, nhưng những vấn đề gì đang đặt ra từ đây? Người quản lý phải thấy rõ thuận nghịch, từ đó tác động lại nguồn nhân lực, vốn liếng, đội ngũ, cán bộ chuyên gia.

Huyện đảo Vân Ðồn (Quảng Ninh) và ngay cả Bà Rịa-Vũng Tàu, một địa phương có đầy thế mạnh về kinh tế biển với những dự án đầu tư hiệu quả thì cả ba vấn đề lớn là vốn, dự án và tiến độ luôn đặt ra đầy thách thức. Nói như anh Trung, Phó giám đốc Sở Kế hoạch-Ðầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì "Nhà đầu tư họ có nhiều mánh lắm. Mình chỉ biết siết tiến độ dự án, bằng không thì thu hồi giấy phép, còn đặt các nội dung ràng buộc thì lại không có trong luật, nên không làm được". Và tôi đã vặn lại anh:

- "Nếu chưa làm gì được thì trong góc độ quản lý phải suy nghĩ để làm được gì đó chứ?".

- "Nhiều người đặt vấn đề kiểm tra năng lực tài chính của họ, nhưng luật lại không bắt buộc điều đó. Vấn đề là các cơ sở phải phát hiện ra những sơ hở, từ đó cùng điều chỉnh. Tuy nhiên tất cả phải bắt đầu từ thực tế, mà thực tế lại né mình thì biết làm sao?"...

Vẻ mặt anh Trung khi ấy thật buồn. Tiếc thay đây lại là chuyện khá phổ biến hiện nay. Mâu thuẫn ở chỗ vừa muốn mở rộng đón nhiều nhà đầu tư nhưng vừa lo khả năng quản lý của ta còn hạn chế. Nếu "bó quá" thì ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, còn nếu "lỏng quá" thì không quản lý nổi. Nói dự án hiệu quả nhưng thế nào là hiệu quả, cơ sở nào để khẳng định hiệu quả và không hiệu quả? Nhìn danh mục các nhà đầu tư với những lượng tiền tính bằng đơn vị tỷ, tưởng mừng, song thực tế thì sao? Họ đưa chuyện này chuyện nọ để họ "né". Ta có cơ sở gì để siết họ vì xưa nay ta chung chung quá mà quản lý chung chung thì nói gì đến hiệu quả, nói gì đến sự chặt chẽ! Muốn cụ thể thì phải có tầm kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Cứ nói theo cam kết, song cam kết cũng chung chung, vì ta chưa đủ kinh nghiệm và trình độ quản lý, nên đành chịu. Cần nhất là những thực tế sinh động, mà thực tế bắt nguồn từ cơ sở trong khi cơ sở lại... ngại. Lẽ ra phải thấy các nhà đầu tư "ranh ma" như thế nào và từ đó ta cũng phải "ranh ma" ra sao, song đây lại là những vấn đề nhạy cảm, dễ nhất là đổi cho nhạy cảm và cũng khó chịu nhất là hai từ "nhạy cảm"!

Trở lại Phú Quốc cũng với những bộn bề như thế, tôi hiểu mỗi kỳ vọng nơi đây còn phải đón nhiều thử thách. Trong định hướng phát triển khu du lịch ba nước Ðông Dương, Phú Quốc sẽ có cảng du lịch quốc tế.

Dựa lưng vào rừng, mặt nhìn ra biển, lợi thế của Phú Quốc thật lớn. Mong sao các công trình hạ tầng như cảng biển Vĩnh Ðầm; cảng Mũi Ðất Ðỏ; dự án nhà máy xử lý chất thải rắn tại Cửa Cạn và Hàm Ninh; dự án xây dựng bệnh viện tại ấp Suối Ðá... sớm trở thành hiện thực, làm cơ sở để Phú Quốc thật sự vươn mình. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn là một điểm yếu và đó cũng là lý do tại sao các nhà đầu tư vẫn chưa tăng tốc đầu tư vào đây. Ngoài ra, nói như Tổng giám đốc Công ty tư vấn TCK Group: Các nhà đầu tư đối diện với rất nhiều thách thức như làm thế nào biết được những quy hoạch cho tương lai của Phú Quốc. Vì thế việc phê duyệt quy hoạch chi tiết rất có ích cho nhà đầu tư, nhưng quan trọng không kém là phải có thông tin đáng tin cậy, cập nhật liên tục và công khai...

Hoàng hôn như chững lại. Nắng thật trong và dịu. Tôi bước khoan thai trên thảm cát Bãi Dài hướng tầm mắt về phía cảng Xi-ha-núc-vin, lòng rộn bao mong mỏi. Chợt chuông điện thoại reo lên. Có thêm tin tốt lành từ phía Ban quản lý đầu tư và phát triển Phú Quốc. Vâng, sớm mai! Tôi thầm hẹn trong bộn bề hy vọng...