Quy hoạch-Đầu tư

Tránh lãng phí nguồn lực đất đai

Việc chậm đưa đất vào sử dụng đúng mục đích ở hàng trăm dự án luôn là vấn đề dư luận quan tâm. Bởi tình trạng đó gây lãng phí nguồn lực phát triển, làm chậm tiến trình đô thị hóa, ảnh hưởng tới sinh kế của một bộ phận người dân sau khi thu hồi đất.
0:00 / 0:00
0:00

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố có hơn 700 dự án (khoảng 5.000ha đất) sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó có 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Đến nay, có 68 dự án đã hoàn tất hồ sơ, xử lý xong. Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đến nay, có 213 dự án đã xử lý xong. Trong đó, có 105 dự án với tổng diện tích 299 ha đất, sau thanh tra, kiểm tra chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các bất cập, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7ha đất, kiến nghị trình Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án. Tổ công tác liên ngành thành phố đã làm việc trực tiếp với từng quận, huyện, thị xã để phân loại đối với 191 dự án thành chín nhóm dự án và phân công các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan chức năng sẽ tập trung tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, hậu kiểm đối với các dự án chậm triển khai theo kiến nghị của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Kết luận cụ thể đối với từng dự án sẽ hoàn tất trong quý III năm nay.

Để đẩy nhanh việc xử lý dự án chậm triển khai, tránh lãng phí tài nguyên đất, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp để phân thành hai hệ thống dự án chưa được giao đất và đã được giao đất, nhưng chậm triển khai. Sở Quy hoạch-Kiến trúc tiếp tục rà soát những dự án đầu tư bị ảnh hưởng từ việc chưa điều chỉnh được quy hoạch kiến trúc, để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật, sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả, đến hết tháng 10/2022, có phương án xử lý từng dự án.

Trước thực trạng tồn tại dai dẳng dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm, gây bức xúc dư luận, lãng phí nguồn lực đất đai, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất. Quá trình lập quy hoạch lưu ý tính thống nhất, có tầm nhìn dài hạn, dứt bỏ tư duy nhiệm kỳ, bảo đảm cân đối tổng thể giữa bảo tồn và phát triển, giữa các thế hệ và giữa những bên liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng và cả nước. Tuyệt đối tránh quy hoạch "treo" không thực hiện được hoặc bố trí quỹ đất cho những mục đích sử dụng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị; xử lý nghiêm minh sai phạm theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.