Chờ đợi và hy vọng!

Hơn một tuần sau khi xảy ra sự cố vỡ đường ống truyền dẫn nước sông Đà lần thứ tám và lần thứ chín, cho đến nay, việc khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hơn 70 nghìn hộ dân khu vực phía tây nam thành phố mới cơ bản hoàn thành, việc cấp nước cho các hộ dân trở lại bình thường.

Trước thực trạng bức xúc này, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan có nhiều buổi làm việc để xem xét, lựa chọn các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt trước mắt và lâu dài của nhân dân Thủ đô. Đã có thời điểm, vì quá lo lắng trước vấn đề nước sinh hoạt cho người dân, lãnh đạo thành phố dự định đầu tư xây dựng tuyến đường ống mới, chạy nổi song song với tuyến đường ống cũ, nằm về phía bắc Đại lộ Thăng Long, dài khoảng 28 km (từ Hòa Lạc đến đường vành đai 3), công suất 100 nghìn m 3 / ngày đêm. Nhưng cuối cùng, sau khi cân nhắc các yếu tố, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thống nhất với đề nghị của Bộ Xây dựng tại Thông báo số 15/TB-BXD ngày 4-7-2014, đồng ý để Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư thi công tuyến đường ống số 2 truyền dẫn nước từ Nhà máy xử lý nước sông Đà về Hà Nội.

Quyết định này khiến không ít người lo ngại. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao thành phố tiếp tục để Vinaconex - chủ đầu tư công trình tuyến đường ống truyền dẫn số 1 từ Nhà máy xử lý nước sông Đà về Hà Nội liên tục xảy ra sự cố trong thời gian qua, lại tiếp tục thi công tuyến đường ống số 2? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinaconex đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I xây dựng nhà máy xử lý nước công suất 300 nghìn m3 /ngày đêm và một tuyến ống truyền tải nước dài 45,8 km; giai đoạn II nâng công suất nhà máy xử lý nước lên thành 600 nghìn m 3 /ngày đêm và tuyến ống truyền tải nước sạch thứ hai dài 45,8 km. Đến năm 2020, sẽ nâng tổng công suất nhà máy nước lên 1,2 triệu m 3 /ngày đêm. Do vậy, việc Vinaconex được đầu tư triển khai giai đoạn hai là chủ trương đã được phê duyệt từ trước. Vấn đề đặt ra là chọn chất liệu đường ống, công nghệ thi công nào và công tác giám sát thi công ra sao, để bảo đảm nguồn nước được cung cấp đủ sản lượng, có chất lượng tốt, đồng thời có phương án thi công nhanh gọn để kịp thời đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Khắc phục những hạn chế của tuyến đường ống số 1 do sử dụng đường ống cốt sợi thủy tinh, tuyến đường ống số 2 sử dụng đường ống thép sản xuất trong nước theo công nghệ Nhật Bản bảo đảm chất lượng. Thành phố yêu cầu Vinaconex lập phương án cụ thể để khởi công tuyến đường ống số 2 trong tháng 8, trước mắt tập trung thi công đoạn từ quốc lộ 21 đến sông Tích (đoạn mà đường ống số 1 thường xảy ra sự cố), hoàn thành sau ba tháng, để kết nối với đoạn còn lại của đường ống số 1, bảo đảm ổn định cấp nước cho nhân dân, phần tuyến đường ống còn lại sẽ hoàn thành sau sáu tháng (kể từ khi khởi công). Rút kinh nghiệm thi công tuyến ống số 1, lần này thành phố giao Sở Xây dựng giám sát việc triển khai dự án từ khâu thiết kế, thi công, đến nghiệm thu đưa vào sử dụng, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, an toàn, đúng tiến độ. Cùng với việc triển khai đường ống số 2, thành phố yêu cầu Vinaconex thực hiện các biện pháp vận hành an toàn tuyến đường ống số 1 để bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân, có phương án kịp thời khắc phục sự cố (nếu có) trong thời gian ngắn nhất, phối hợp các đơn vị cung cấp nước sạch để điều tiết mạng cấp nước, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do việc mất nước sinh hoạt đến đời sống nhân dân.

Hy vọng rằng, với tinh thần cầu thị, Vinaconex sẽ khắc phục những hạn chế công trình cũ, thi công thành công tuyến đường ống truyền dẫn nước số 2, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, đúng tiến độ, như một hành động thiết thực để xin lỗi khách hàng dùng nước sinh hoạt của Nhà máy xử lý nước sông Đà đã chịu nhiều bức xúc trong suốt thời gian qua.