Theo thống kê, giai đoạn 2021-2022, kinh tế vùng Đông Nam Bộ chỉ tăng trưởng 2,61%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2022, kinh tế vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 5,50%/năm, thấp hơn so với trung bình cả nước (6,05%/năm) và thấp nhất trong sáu vùng.
Quy mô nền kinh tế vùng Đông Nam Bộ ngày càng được mở rộng nhưng giảm tỷ trọng trong GDP cả nước. Năm 2020, quy mô GRDP toàn vùng đạt khoảng 109 tỷ USD, gấp 2,6 lần năm 2010, và 1,4 lần năm 2015 nhưng đóng góp vào GDP cả nước đã giảm từ 37,3% năm 2010 xuống 34,3% năm 2015 và 32,1% năm 2020. Đến năm 2022, GRDP của vùng Đông Nam Bộ đạt 125,7 tỷ USD, gấp 2,9 lần so với năm 2010, nhưng đóng góp vào GDP cả nước tiếp tục giảm xuống còn 30,9%.
Hiện, Chính phủ đã thành lập bốn Hội đồng điều phối vùng; trong đó, có vùng Đông Nam Bộ. Trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, có nhấn mạnh đến việc đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững; việc phối hợp phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật; việc phối hợp được thực hiện thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án…
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực ban hành chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển chung của vùng và một số chính sách bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn còn không ít những bất cập, khó khăn trong liên kết vùng, quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách… phát triển vùng, liên kết vùng.
Cụ thể, các quy định về liên kết bắt buộc còn chung chung cho nên khó triển khai áp dụng và chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc liên kết vùng; thiếu bộ máy cấp vùng để thực thi, giám sát và điều phối việc thực hiện các văn bản, chính sách vùng.
Cùng với đó, công tác lập quy hoạch phân vùng chưa nhất quán, dẫn đến hiện tượng “vùng chồng vùng”. Nhiều chính sách ban hành chưa đi vào cuộc sống, chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện dẫn đến hiệu quả không cao (bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ), chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Việc thúc đẩy, hợp tác, liên kết vùng (nội vùng, ngoại vùng) còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh, thành phố và toàn vùng, chưa có sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả giữa các địa phương. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài theo hướng bổ trợ lẫn nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng...
Từ những hạn chế nêu trên, đòi hỏi phải sớm có giải pháp khắc phục, tăng tính liên kết vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ nhanh và bền vững. Trong đó, vùng cần xây dựng quy chế liên kết, phối hợp rõ ràng, thể hiện được cả nội dung liên kết, theo dõi và kiểm tra.
Vùng cần có cơ chế thực thi khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, có cơ chế và chính sách khuyến khích, có chế tài xử phạt để thúc đẩy các chủ thể có trách nhiệm hơn khi tham gia vào liên kết, bảo đảm việc thực thi liên kết có hiệu lực.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế liên kết vùng phải bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, các vấn đề an ninh, quốc phòng, xã hội và bảo vệ môi trường. Thể chế liên kết vùng phải mang tính đồng bộ, hệ thống và tác động đến nhiều chiều; bảo đảm bộ máy vùng có đủ thẩm quyền và năng lực để thực hiện tốt vai trò điều phối liên kết vùng...