Báo cáo tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong năm năm qua, công tác bảo đảm trật tự, ATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt một số kết quả tích cực. Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn hằng năm đều giảm cả ba tiêu chí so với các năm trước. Từ năm 2015 đến tháng 10-2020, bình quân hằng năm giảm 167 vụ (11,46%), giảm 31 người chết (6,44%), giảm 199 người bị thương (16,04%). Việc giảm tai nạn giao thông đạt so với chỉ tiêu đặt ra (giảm 5-10% hằng năm).
Từ năm 2016 đến nay, các ngành chức năng của thành phố đã xử lý được 63 điểm ùn tắc giao thông, đạt so với yêu cầu chỉ tiêu là đến cuối năm 2020, giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông. Xóa bỏ được 73 điểm đen về tai nạn giao thông. Hiện nay, thành phố đang xử lý 30 điểm đen về TNGT, đến nay đã cơ bản giải quyết được 19 điểm đen TNGT.
Năm 2020, thành phố đã tổ chức thông xe đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, khánh thành đưa vào sử dụng cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, khởi công dự án nhiều dự án giao thông trọng điểm… góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Về phát triển vận tải hành khách công cộng, từ năm 2015 đến nay, thành phố đã mở mới 33 tuyến buýt. Hiện, toàn mạng lưới có 126 tuyến buýt, tiếp cận đến 30 quận, huyện, thị xã, 453 xã, phường, thị trấn của thành phố, 66 bệnh viện, 296 trường học, 32 khu công nghiệp, 82 khu đô thị đạt 96%; kết nối với bẩy tỉnh, thành phố. Chất lượng dịch vụ xe buýt ngày càng được nâng cao. Năm 2019, xe buýt đáp ứng được 17,03% nhu cầu đi lại của người dân. Năm 2020, dự kiến xe buýt đáp ứng đạt khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân...
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ sáu nhóm giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, gồm: huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế; phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; xây dựng văn hóa giao thông, đưa chương trình giáo dục về ATGT vào hệ thống giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.