Lai Châu là tỉnh xa nhất ở vùng Tây Bắc nước ta, nhưng những năm gần đây, du lịch Lai Châu đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, trung bình lượng khách tăng từ 10 đến 15%/năm. Sức hút của du lịch Lai Châu đến từ khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào 20 dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Với tiềm năng này, tỉnh Lai Châu đã hình thành một số loại hình du lịch nổi bật như: Du lịch mạo hiểm, sinh thái, du lịch cộng đồng... Nổi bật là các địa chỉ du lịch như: Thác Tác Tình, suối nước nóng Vàng Pó, suối nước nóng Phiêng Phát; các điểm du lịch cộng đồng: Gia Khâu, Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải...; hay du lịch đèo Hoàng Liên Sơn, đỉnh Pu Ta Leng... Cùng với xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch của tỉnh từng bước được cải thiện, văn hóa được quan tâm bảo tồn. Đây là những lợi thế lớn để du lịch Lai Châu bứt tốc.
Tuy nhiên, điểm yếu của du lịch Lai Châu là chưa được quảng bá đúng mức; nhiều địa danh còn quá mới mẻ; do chưa có kinh nghiệm, cho nên chưa tạo ra những sản phẩm hấp dẫn; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Hội nghị đã nghe ý kiến của nhiều nhà quản lý du lịch, đại diện các doanh nghiệp lữ hành, các Hiệp hội Du lịch về những giải pháp thúc đẩy du lịch Lai Châu phát triển tương xứng tiềm năng. Nhiều đại biểu cho rằng, cùng với đẩy mạnh liên kết du lịch với Hà Nội, Lai Châu cần mở rộng liên kết, hợp tác du lịch với những địa phương khác; tăng cường quảng bá các điểm đến; tích cực hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng các tour mới, điều chỉnh hoạt động các điểm đến cho phù hợp nhu cầu của khách; tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch...
Năm 2021, hoạt động chủ yếu của ngành du lịch vẫn là du lịch nội địa. Việc tổ chức các hoạt động hợp tác, quảng bá du lịch của Lai Châu là biện pháp “đón đầu” cho một năm du lịch nội địa sôi động hơn khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt.