Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Vĩnh Phúc, trước khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội (tháng 8-2008), diện tích đất phải trả cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ các dự án trên địa bàn huyện khoảng 69 ha. Ngay sau đó, UBND huyện đã có báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc tiếp tục triển khai giải quyết đất dịch vụ cho người dân. Thực hiện Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 trong đó quy định các hộ dân có đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm, không trả bằng đất giao làm dịch vụ. Kết quả, tại huyện Mê Linh đã có 18 dự án được điều chỉnh giá bồi thường, chi trả đất dịch vụ bằng tiền (tương ứng khoảng 10,6 ha đất dịch vụ) liên quan đến hơn 4.400 hộ dân.
Đối với 19 dự án khác được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt phương án bồi thường trước ngày 1-8-2008 (với khoảng 37 ha đất dịch vụ), nhưng các dự án này chưa chi trả tiền đền bù, huyện đã yêu cầu khi tiếp tục giải phóng mặt bằng phải điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường theo chính sách hiện hành để “triệt tiêu” quỹ đất dịch vụ. Do đó, diện tích đất dịch vụ tại huyện Mê Linh còn lại phải trả bằng đất là khoảng 26,8 ha của 8.085 hộ dân, chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn có các dự án thực hiện xong giải phóng mặt bằng và đã bàn giao cho chủ đầu tư. Đồng chí Đoàn Văn Trọng cho biết, thời gian qua, huyện Mê Linh cùng các cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc, tháo gỡ các vướng mắc và giao 12,6 ha đất dịch vụ cho 2.904 hộ gia đình.
Tuy nhiên đến nay, huyện vẫn còn 14,2 ha của 5.134 hộ chưa được giải quyết. Nhằm bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, UBND huyện Mê Linh tiếp tục đề nghị UBND thành phố chấp thuận chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ dân. Sau khi thành phố Hà Nội xin ý kiến, Bộ TN-MT đã có Văn bản số 3347 ngày 3-7-2017, trong đó “đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giao đất dịch vụ theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với các dự án đã thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 mà trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có bố trí giao đất dịch vụ cho người có đất thu hồi”. Từ đó, ngày 8-8-2017, Sở TN-MT có văn bản hướng dẫn huyện Mê Linh: “Trường hợp trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt trước đây không thể hiện nội dung các hộ được giao đất dịch vụ, thì không thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ”. Nhưng thực tế là các phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Mê Linh trước đây và hiện nay đều không thể hiện nội dung giao đất dịch vụ cho người có đất bị thu hồi. Do đó, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ và Sở TN-MT, việc giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân còn lại trên địa bàn huyện Mê Linh sẽ không thực hiện được.
Đây chính là nguyên nhân khiến người dân có ý kiến, khiếu nại. Bởi cùng thời điểm bị thu hồi, trong khi tại các thị trấn Quang Minh và Chi Đông, nhiều hộ đã được giải quyết đất dịch vụ, thì các hộ ở những xã khác lại chưa được giao đất. Điều này dẫn đến một số hộ dân cản trở chủ đầu tư thực hiện dự án, khiến nhiều dự án trên địa bàn huyện Mê Linh trong tình trạng dở dang, “án binh bất động” nhiều năm, như: Dự án Trung tâm đào tạo và phát triển thể dục thể thao (diện tích 60.000 m2), Dự án Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong, xã Tiền Phong (419.312,5 m2).
Để giải quyết tình trạng này, theo Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Trọng, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân để bảo đảm an ninh trật tự, UBND huyện Mê Linh đề nghị Bộ TN-MT, UBND thành phố Hà Nội cho phép huyện tổ chức giao đất dịch vụ cho các hộ có đất bị thu hồi giai đoạn từ 1993 đến ngày 1-10-2009 đối với các hộ mất đất nông nghiệp từ 30% trở lên. Cụ thể, đồng ý chủ trương cho phép UBND huyện Mê Linh giao 14,2 ha diện tích đất dịch vụ cho 5.143 hộ trên địa bàn để bảo đảm quyền lợi cho người dân, cũng như ổn định tình hình địa phương, tránh làm phức tạp tình hình ở cơ sở.