Quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, xử lý, cho nên tình trạng xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn Hà Nội đã giảm. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn gặp không ít khó khăn khi xử lý xe hợp đồng, do những kẽ hở trong quy định quản lý và thiếu chế tài mạnh để chống tái diễn vi phạm.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử lý xe hợp đồng dừng đỗ sai quy định. Ảnh: HẢI ĐÔ
Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử lý xe hợp đồng dừng đỗ sai quy định. Ảnh: HẢI ĐÔ

Tình trạng xe “dù”, bến “cóc” từng có thời gian lộng hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn giao thông và gây bức xúc dư luận. Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, đã giảm đáng kể tình trạng phương tiện đón khách sai quy định, chạy vượt tuyến hoặc không đúng luồng tuyến, tranh giành, lôi kéo hành khách, nhồi nhét quả tải… Tuy nhiên, hiện nay, các lực lượng chức năng đang khó kiểm soát những xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động như xe khách liên tỉnh tuyến cố định. Núp dưới danh nghĩa xe hợp đồng, những phương tiện này có thể luồn lách mọi ngóc ngách trong thành phố để đón khách. Việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các cơ quan chức năng.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Sáu tháng đầu năm, lực lượng này đã xử lý hơn bốn nghìn trường hợp vận tải hành khách vi phạm, trong đó tước giấy phép lái xe 51 trường hợp. Các lỗi vi phạm phổ biến là lái xe không có hợp đồng, không có danh sách hành khách, dừng đỗ sai quy định… Trong số ấy, có không ít trường hợp là xe khách liên tỉnh tuyến cố định hoạt động trá hình. Tuy nhiên, do quy định chưa chặt chẽ cho nên lực lượng chức năng chỉ lập biên bản xử lý lỗi dừng đỗ sai quy định, mà không chứng minh được vi phạm khác.

Để tăng cường quản lý, theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, nên quy định mầu xe hoặc có phù hiệu khống chế từng địa bàn, để bảo đảm công tác kiểm tra thuận lợi, thông tuyến được tốt nhất. Hiện thành phố có hơn 400 ca-mê-ra lắp tại các nút giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông đã khai thác hình ảnh này để xử phạt “nguội”. Tuy nhiên, cần có sự kết nối, chia sẻ thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của ngành giao thông vận tải, từ đó lực lượng chức năng mới có cơ sở, căn cứ xử phạt chính xác; đồng thời thống kê nơi nào, đơn vị nào thường xuyên có hành vi gây mất an toàn cho hành khách để tăng cường kiểm tra, kiểm soát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển cho biết: Trước tình trạng xe khách trá hình diễn biến phức tạp, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp xử lý triệt để. Về cơ chế, chính sách, đơn vị đã tích cực phối hợp Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) để sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô. Trong đó, đơn vị đề xuất khi điều chỉnh quy hoạch hành trình các tuyến vận tải, thì tránh đi qua các khu vực phức tạp về giao thông. Đồng thời, đề xuất thành phố triển khai hệ thống giao thông thông minh, tiếp tục lắp đặt thêm ca-mê-ra tại các tuyến đường trọng điểm.

Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị vận tải đầu tư phương tiện, cải thiện thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chú trọng tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho hành khách thông qua việc kết nối hiệu quả các bến xe bằng những tuyến buýt. Tiếp tục xử lý vi phạm qua phần mềm cảnh báo, thiết bị giám sát hành trình đối với những hành vi dừng đỗ sai quy định… Tuyên truyền để người dân ý thức việc phải vào bến xe, chứ không vẫy xe, lên xe giữa đường. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vi phạm trên địa bàn.

Đại diện Công ty CP xe khách Phương Trang cho rằng: Việc xử lý xe “dù”, bến “cóc” hay quản lý xe khách hoạt động trá hình dưới hình thức xe hợp đồng cần làm tận gốc, xử phạt các doanh nghiệp vận tải, thay vì chỉ phạt lái xe như hiện nay. Đồng thời, phải bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở bình đẳng nghĩa vụ thuế. Sẽ không khó để làm việc này, nếu áp dụng công nghệ. Đó là bất kể kinh doanh bằng loại hình gì, các xe đều phải lắp định vị GPS và ca-mê-ra giao thông. Đây là cơ sở để tiến tới liên thông giữa ngành giao thông vận tải và ngành tài chính, nhằm quản lý doanh thu, bảo đảm chế độ chính sách, nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp. Như vậy, sẽ không còn sự bất bình đẳng như hiện nay, là trong khi xe khách tuyến cố định phải chịu đủ các loại thuế, phí thì xe hợp đồng lách luật hoạt động như xe khách trốn được các loại thuế, phí ấy…

Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông.