Siết chặt quản lý kinh doanh trái cây

Lâu nay, việc kinh doanh trái cây ở Hà Nội vẫn diễn ra trong tình trạng thiếu các điều kiện bảo quản, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, an toàn thực phẩm. Để tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực này, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thành phố Hà Nội vừa phê duyệt triển khai đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành".
Người dân mua hoa quả ở các hàng rong trên phố Hồ Tùng Mậu. Ảnh: CHÍ HIẾU
Người dân mua hoa quả ở các hàng rong trên phố Hồ Tùng Mậu. Ảnh: CHÍ HIẾU

Khó kiểm soát an toàn thực phẩm

Trái cây là loại thực phẩm tươi, thời hạn sử dụng ngắn, nhưng ở nước ta nói chung, tại Hà Nội nói riêng, mặt hàng này được bày bán rất dễ dãi. Hằng ngày, trái cây các loại theo người bán hàng rong ruổi khắp các ngõ xóm, tuyến đường. Hàng hóa không được bảo quản đúng cách, không có thông tin, tem nhãn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, lượng tồn dư hóa chất... Nhiều người bán hàng rong có hành vi lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, giá sản phẩm. Bên cạnh đó có không ít người bán trái cây bằng hình thức đổ đống trên vỉa hè, lòng đường. Tại các chợ, tình trạng trái cây được bày bán cạnh các phản thịt gia súc, gia cầm, thủy sản sống khá phổ biến, nguy cơ rất cao lây nhiễm chéo vi khuẩn.

Qua thống kê sơ bộ của Sở Công thương, tại khu vực nội thành hiện có hàng trăm tổ chức và cá nhân đang kinh doanh mặt hàng này. Trong đó có 10 công ty bán buôn, 464 cửa hàng, quầy hàng cố định bán lẻ, nhưng chỉ có 30% cửa hàng có tủ mát để bảo quản, 50% cửa hàng có giá kệ bày hàng; còn lại phần lớn để trái cây trên hộp xốp, mẹt... Số lượng người bán hoa quả bằng xe đạp, xe máy, hàng rong... ước còn gấp hai, ba lần các điểm kinh doanh cố định. Không chỉ thiếu an toàn thực phẩm, việc bán hàng rong còn gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn trật tự giao thông.

Theo thống kê, mỗi tháng người dân thành phố tiêu thụ hơn 52 nghìn tấn trái cây, nhưng sản lượng trái cây do địa phương tự sản xuất chưa đến 10 nghìn tấn. Số còn lại từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài. Hoạt động mua bán, kinh doanh trái cây dễ dãi, dẫn tới việc kiểm soát chất lượng loại thực phẩm này gặp nhiều khó khăn, ngay cả với các loại hoa quả nhập khẩu. Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, chỉ có tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hóa mới có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, xuất xứ hàng hóa do cơ quan quản lý của nước xuất khẩu cấp. Còn khi giao lại cho các hộ kinh doanh, cửa hàng nhỏ lẻ thì chỉ cần có hóa đơn bán hàng, sản phẩm có tem nhãn là đủ điều kiện. Vì vậy, với các cửa hàng bán lẻ, rất khó để cơ quan chức năng kiểm soát, xác minh được xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa.

Quản lý hiệu quả chất lượng trái cây

Để quản lý được chất lượng hoa quả, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, UBND thành phố vừa phê duyệt triển khai đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành". Mục tiêu của đề án là quản lý hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư thuộc các quận nội thành theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và các điều kiện cần thiết khác theo quy định. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, các địa điểm bán trái cây không được bày ra vỉa hè hoặc bán rong trên đường. Cửa hàng phải bảo đảm vệ sinh, niêm yết giá và cân trọng lượng chính xác. Các sở, ngành chức năng phải quản lý chặt việc kinh doanh, buôn bán mặt hàng này tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, kiểm soát an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trái cây chuẩn bị, hoàn thiện cơ sở vật chất, các giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh...

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, theo lộ trình của đề án, trong năm nay, 60% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh, đến hết năm 2018 đạt 100%. Các cửa hàng phải có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng... Tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn thành phố. Phấn đấu trong năm 2018, kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành.

Thực tế hiện nay trên địa bàn thành phố đang có một lượng lớn người dân mưu sinh bằng bán hàng rong, bán trái cây trên xe thồ, xe máy. Người tiêu dùng vẫn có thói quen mua trái cây mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn. Vì vậy, việc thực hiện đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành" cần được các sở, ban, ngành, chính quyền các quận, các cá nhân, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình đã đề ra. Thành phố cần triển khai hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn, tạo điều kiện và hỗ trợ người kinh doanh, người tiêu dùng chấp hành những yêu cầu của đề án, từng bước đưa việc kinh doanh trái cây cũng như những loại thực phẩm khác vào nền nếp, văn minh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.