Giữ gìn, phát huy truyền thống văn minh, thanh lịch người Hà Nội

Người Hà Nội vốn có truyền thống thanh lịch, văn minh. Nhưng những năm gần đây, truyền thống ấy đang ít nhiều mai một, xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi lệch chuẩn văn hóa. Thực tế đòi hỏi cần có một chuẩn mực mới trong văn hóa ứng xử, nhằm chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Hà Nội, đáp ứng yêu cầu trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

Cán bộ bộ phận "một cửa" UBND quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính.
Cán bộ bộ phận "một cửa" UBND quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính.

Bài 1: Góp phần chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn

Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Việc thực hiện những quy tắc này sẽ tạo xung lực mới trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, gắn với việc thực hiện các nội dung của Năm kỷ cương hành chính 2017, đồng thời xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội.

Khi chưa có Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã xây dựng nội quy của cơ quan, hay quy tắc ứng xử của cán bộ trong ngành. Chẳng hạn như các ngành y tế, nội vụ, ngoại giao đều ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ trong ngành. Ở cấp cơ sở, một số phường như phường Quán Thánh (quận Ba Ðình) đã ban hành Quy tắc ứng xử cho cán bộ bộ phận "Một cửa" của phường. Tuy nhiên, hầu hết các quy tắc này đều có những hạn chế nhất định, bởi chỉ chú ý đến những yếu tố đặc thù của lĩnh vực công tác, nhấn mạnh việc thực hiện các quy tắc tại công sở. Sức lan tỏa của các quy tắc này còn hạn chế. Những năm gần đây, tình trạng cán bộ quát nạt, gây phiền hà cho người dân, cán bộ có những hành vi ứng xử không đúng mực ở nơi công cộng diễn ra phổ biến, ảnh hưởng uy tín, hình ảnh đội ngũ cán bộ của cả thành phố. Năm 2016 đã xảy ra một số vụ việc làm "nóng" dư luận, điển hình là các vụ việc một cán bộ ngành giao thông vận tải có hành vi giao tiếp thô lỗ với phóng viên báo chí, hay một cán bộ Thanh tra Sở Giao thông vận tải hành hung một nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài, vụ một cán bộ Sở Ngoại vụ có hành vi bạo lực với người già chỉ vì va chạm nhỏ trên đường… Thực tế đòi hỏi cần có một chuẩn mực mới trong văn hóa ứng xử, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Hà Nội, đáp ứng yêu cầu việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong tình hình mới.

Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng, lấy ý kiến các chuyên gia, ý kiến của người dân, ngày 25-1, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Quy tắc gồm bốn chương, 11 điều. Trong đó, quy định rõ những nguyên tắc ứng xử với cấp trên, với đồng nghiệp tại cơ quan; chấp hành pháp luật, quy chế của cơ quan… Lần đầu Hà Nội có quy tắc cụ thể, yêu cầu cán bộ, công chức phải giữ thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ hòa nhã, không nói tục, không làm việc riêng, gây mất trật tự trong giờ làm việc… Quy tắc dành riêng một phần để nói về thái độ ứng xử với nhân dân. Tại cơ quan, cán bộ phải giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; ưu tiên hỗ trợ giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đau ốm; không sách nhiễu; gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu; không hẹn giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; nghiêm túc nhận khuyết điểm, thành khẩn tự phê bình, rút kinh nghiệm khi để xảy ra sai sót.

Ðáng chú ý, không chỉ tại cơ quan, Quy tắc ứng xử còn đưa ra các đề xuất về hành vi ứng xử của cán bộ tại khu dân cư, nơi công cộng. Thí dụ như cán bộ, công chức phải vận động gia đình, người thân, những người chung quanh thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phòng chống tệ nạn xã hội; gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí, mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia; gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc...

Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan trên địa bàn thành phố được ban hành, đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà nghiên cứu văn hóa cho đến các tầng lớp nhân dân. Ông Phạm Văn Mậu, phố Bạch Ðằng, quận Hoàn Kiếm cho biết: "Chúng tôi mong rằng Bộ Quy tắc ứng xử sẽ là bài thuốc đặc hiệu trị căn bệnh này ở một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là ở những bộ phận có cơ chế "xin - cho". Mặc dù mới được ban hành, nhưng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã bắt đầu thực hiện ngay các nội dung của quy tắc ứng xử. Một biểu hiện điển hình nhất là thực hiện nghiêm giờ giấc làm việc. Mặc dù các lễ hội, hoạt động ở các di tích hết sức sôi nổi, nhưng những ngày đầu năm mới, các cơ quan, công sở của thành phố đã làm việc nghiêm túc. Ðiển hình như các phường Quốc Tử Giám (quận Ðống Ða), Trung Hòa (quận Cầu Giấy), phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm)… Các cơ quan như bộ phận "Một cửa" thuộc các sở: Xây dựng, Tài chính, Cục Thuế… cũng làm việc nghiêm chỉnh ngay từ ngày đầu năm, không tổ chức đi chúc tụng, đi lễ trong giờ làm việc…

Có thể thấy, việc thực hiện quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa người Hà Nội. Bởi cán bộ có gương mẫu, thì người dân sẽ noi theo và việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng sẽ gặp thuận lợi hơn. Từ đó, góp phần chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn, bồi đắp phong cách ứng xử văn minh, thanh lịch của người Hà Nội trong thời kỳ mới.

(Còn nữa)