Điểm sáng về cải cách hành chính của Thủ đô

Mặc dù trên địa bàn vẫn còn những hộ gia đình làm nông nghiệp, nhưng quận Long Biên lại là đơn vị dẫn đầu thành phố về cải cách hành chính (CCHC), nhất là giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 3, cấp độ 4. Người dân đã bắt đầu quen với việc ngồi ngay tại nhà để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) qua mạng. Tại một số địa bàn, kết quả giải quyết còn được trả tại nhà. Với việc ban hành Quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC, các bước giải quyết TTHC được quản lý chặt chẽ về thời gian, rõ trách nhiệm với từng cá nhân.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Long Biên. Ảnh: MINH HÀ
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Long Biên. Ảnh: MINH HÀ

Long Biên là quận mới của Thủ đô; dấu ấn "làng xã" vẫn còn khá đậm nét trong đời sống của người dân một số phường trên địa bàn khiến cho việc cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử diễn ra không hoàn toàn thuận lợi. Tại các phường: Phúc Lợi, Phúc Đồng, Cự Khối..., chỉ ít năm trước, cuộc sống của người dân vẫn còn gắn với ruộng đồng. Dù những năm gần đây, số lượng gia đình có máy tính kết nối in-tơ-nét đã chiếm phần lớn, song, để thay đổi tư duy, thói quen của người dân không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Để có thể cải cách thủ tục hành chính thành công, một trong những khâu quan trọng phải tiến hành là "cải cách tư duy". Những năm gần đây, nhất là năm 2017, triển khai thực hiện "Năm kỷ cương hành chính", các phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu lợi ích của việc ngồi tại nhà đăng ký giải quyết TTHC. Một phường còn tổ chức các hội nghị, mời các chuyên gia về giải đáp những thắc mắc của nhân dân; tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC qua mạng...

Cùng với đó, quận Long Biên tiến hành chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, rà soát bộ TTHC, xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC... Tính đến hết tháng 6-2017, quận đã thực hiện rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 124 TTHC (79 TTHC cấp quận, 45 TTHC cấp phường), rút ngắn thời gian giải quyết từ một đến 20 ngày làm việc. Việc xây dựng quy trình nội bộ tiếp nhận và giải quyết TTHC đối với tất cả các TTHC giúp cho việc quản lý hết sức thuận tiện, có thể theo sát thời gian thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan, rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian giải quyết. Từ năm 2016, quận Long Biên đã tiến hành thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các lĩnh vực: Tư pháp hộ tịch, quản lý đô thị, văn hóa thể thao; đã thực hiện 25 TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và hai TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Quận Long Biên là một trong những đơn vị tiên phong của thành phố thực hiện mô hình "chung cư điện tử" tại một số phường; đồng thời cũng là đơn vị đầu tiên của Hà Nội có tất cả các phường triển khai việc trả kết quả TTHC tại nhà công dân, đối với hai thủ tục đăng ký khai sinh thông thường (liên thông cấp thẻ BHYT, đăng ký thường trú cho trẻ dưới sáu tuổi) và thủ tục đăng ký khai tử. Sáu tháng đầu năm nay, cấp quận đã giải quyết 8.079 hồ sơ TTHC, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,95%. Cấp phường đã giải quyết 37 nghìn hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Có 7.114 hồ sơ TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến cấp quận là 95,61% (894 trong số 935 hồ sơ); tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến cấp phường đạt 99,81% (6.167 trong số 6.179 hồ sơ). Ngoài ra, quận còn triển khai mô hình một cửa - một cửa liên thông ở cả cấp quận và cấp phường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết các TTHC.

Phó Chánh Văn phòng UBND quận Long Biên Bùi Dương cho biết: "Việc triển khai không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chẳng hạn, khi quận Long Biên tiến hành trang bị máy tính bảng cho lãnh đạo chủ chốt của quận và phường, một số ý kiến cho là tốn kém. Nhưng một thời gian sau mới nhận thấy, đầu tư ban đầu tuy lớn, nhưng tiết kiệm được rất nhiều. Trước đây, mỗi cuộc họp, cán bộ cũng phải in ấn hàng đống tài liệu. Hiện giờ, tùy từng cấp mà cán bộ được cấp quyền truy cập tài liệu, có thể đọc, giải quyết công việc ở bất cứ địa điểm nào. Đối với cấp phường, nhiều phường có những cách làm sáng tạo. Chẳng hạn phường Sài Đồng có sáng kiến về TTHC liên thông đăng ký khai tử - xóa thường trú - chế độ tử tuất - trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất - hỗ trợ chi phí hỏa táng cho người mất; phường Gia Thụy tổ chức thanh niên tình nguyện không chỉ đến tận nhà hướng dẫn công dân về thủ tục khai tử, mai táng phí, mà còn trả kết quả tại nhà".

Phường Phúc Lợi có thể coi là một trong những điển hình của nỗ lực vượt khó trên địa bàn. Về vị trí địa lý, Phúc Lợi là phường xa trung tâm nhất, vẫn còn nhiều hộ gia đình gắn với nghề nông. Nhưng với việc tích cực tuyên truyền vận động, hướng dẫn, cùng với sự nỗ lực của các cán bộ, nhiệm vụ CCHC đã thu được những kết quả tích cực. Sáu tháng đầu năm 2017 đã giải quyết 4.225 trong số 4.242 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Đối với giải quyết dịch vụ công mức độ 4, người dân có thể thực hiện các giao dịch qua mạng, thanh toán chi phí trực tuyến hoặc qua đường bưu điện và sẽ nhận được kết quả tại nhà. Nhưng để giảm chi phí cho người dân, lãnh đạo phường đã vận động cán bộ cấp cơ sở trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà mà không thông qua khâu trung gian, không mất phí. Thời gian qua, phường Phúc Lợi đã trả kết quả tại nhà cho 73 trường hợp. Với những trường hợp đăng ký khai sinh mà không thuộc diện đăng ký quá hạn, hay sinh quá hai con, phường, tổ dân phố còn có hoa, thiệp chúc mừng.

Theo kết quả chấm điểm chỉ số CCHC của TP Hà Nội năm 2016, quận Long Biên đứng đầu về chỉ số CCHC khối quận, huyện, thị xã. Với những nỗ lực trong thời gian qua, có thể thấy, mô hình chính quyền điện tử trên địa bàn quận đang gặt hái được những thành công, được người dân ủng hộ và dần đi vào đời sống.