Kiên trì các biện pháp bảo đảm hiệu quả xe buýt nhanh

Sau hai tháng đưa vào hoạt động, xe buýt nhanh (BRT) thu hút nhiều người dân sử dụng, dù vẫn còn phải đối mặt không ít khó khăn. Với chủ trương ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, thành phố kiên trì khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện cho phương tiện này phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả của mình trong việc đi lại ở Thủ đô.

Từ khi đưa vào hoạt động, tuyến BRT01 đã vận chuyển hơn 665 nghìn lượt hành khách. Ảnh: DUY LINH
Từ khi đưa vào hoạt động, tuyến BRT01 đã vận chuyển hơn 665 nghìn lượt hành khách. Ảnh: DUY LINH

Mỗi ngày vận chuyển hơn 13.600 hành khách

Tuyến BRT số 01 ngày càng thu hút nhiều hành khách sử dụng. Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Nguyễn Thủy cho biết: Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến buýt này đã thực hiện được 16.629 lượt xe, vận chuyển hơn 665 nghìn lượt hành khách. Bình quân mỗi ngày vận chuyển khoảng 12.400 lượt hành khách; mỗi lượt xe vận chuyển 40 hành khách. Tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 99,6%. Từ ngày 6-2, BRT bắt đầu thực hiện bán vé cho người sử dụng dịch vụ, lượng hành khách tiếp tục tăng so với những ngày chạy miễn phí, bình quân vận chuyển mỗi ngày hơn 13.600 lượt hành khách; ngày cao nhất vận chuyển 15.266 hành khách. Tuy nhiên, tại các nhà chờ từ vành đai ba trở ra đến Ba La, số lượng hành khách vẫn thấp, do khu vực này không có các trường đại học, mật độ dân cư thưa, người dân chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng.

Để tạo điều kiện cho BRT hoạt động hiệu quả, Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan đã triển khai tổ chức làn đường dành riêng và ưu tiên cho hướng đường BRT chạy. Thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng để phân tách làn đường tại ba nhà chờ: Giảng Võ, Nguyễn Tuân và Hoàng Đạo Thúy. Tổ chức hướng dẫn giao thông dọc lộ trình tuyến BRT nhằm bảo đảm trật tự giao thông. Đáng chú ý, từ ngày 15-2, bên cạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông, các lực lượng chức năng bắt đầu tiến hành xử phạt các phương tiện đi vào làn đường dành riêng cho BRT. Với các biện pháp này, vận tốc chạy xe đúng kế hoạch, ít bị tác động bởi ùn tắc giao thông. Nhận thức của người tham gia giao thông được cải thiện. Nhiều người dân đã sử dụng BRT có đánh giá tích cực, thiện cảm với loại hình vận tải công cộng mới này.

Tăng tính kết nối, mở rộng vùng phục vụ

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn không ít ý kiến góp ý để BRT hoạt động hiệu quả hơn. Đó là cần có giải pháp nhằm thu hút mạnh hơn người dân sử dụng phương tiện này, nhất là khu vực từ vành đai ba trở ra. Làm sao để lượng phương tiện cá nhân trên trục đường này giảm và lượng hành khách đi BRT ngày càng tăng, để tương xứng với sự đầu tư và giải pháp ưu tiên làn đường dành riêng cho tuyến buýt này. Cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt có liên quan để tăng tính kết nối, mở rộng vùng phục vụ. Trong đó tạo điều kiện cho nhiều khu vực dân cư như: các khu đô thị Dương Nội, An Khánh, Mỗ Lao... tiếp cận, sử dụng BRT. Kiên trì các giải pháp bảo đảm thời gian vận hành chuyến, ổn định khung giờ đón, trả khách... Tiếp tục khảo sát phương án tổ chức giao thông trên tuyến cho phù hợp, giảm ùn ứ kéo dài và phát sinh vi phạm tại các tuyến phố Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy, do ưu tiên hướng BRT chạy...

Về những vấn đề nêu trên, đại diện Trung tâm Quản lý điều hành và giao thông đô thị Hà Nội thừa nhận, những hạn chế là không thể tránh khỏi trong thời gian BRT mới đi vào vận hành. Các cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện các giải pháp để từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế. Trước hết là tiến hành điều chỉnh năm tuyến buýt ( số 09, số 18, số 19, số 22 và số 50) để tăng cường kết nối với BRT đã tiếp cận dân cư các khu đô thị, khu dân cư: Dương Nội, Vạn Phúc, Công viên Thiên đường Bảo Sơn... Tới đây, đơn vị sẽ tăng cường tổ chức tuyến xe buýt kết nối khu đô thị Trung Văn với tuyến BRT, kết nối các cụm trường đại học khu vực Thanh Xuân với BRT và mở rộng kết nối BRT với khu vực phía bắc thành phố. Tiếp tục hợp lý hóa điểm dừng xe buýt thường, bổ sung thêm một điểm dừng tiếp cận với nhà chờ Mỗ Lao để tăng cường kết nối các tuyến buýt, tạo thuận lợi cho hành khách trung chuyển. Điều tra khảo sát xã hội học để hoàn thiện dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Tiếp tục duy trì lực lượng chức năng hướng dẫn giao thông, bảo đảm cho BRT hoạt động hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây mất trật tự, an toàn giao thông trên tuyến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông và định hướng sử dụng vận tải hành khách công cộng.

Tăng hiệu quả hoạt động của tuyến BRT số 01 được coi là tiền đề quan trọng trong việc phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần từng bước giảm phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố đang chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Tổng công ty vận tải Hà Nội triển khai nghiên cứu mở thêm tuyến buýt nhanh Kim Mã- Hòa Lạc. Mong rằng, việc đầu tư tuyến BRT mới được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả hoạt động.