Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Có mặt tại bộ phận một cửa UBND quận Thanh Xuân vào cuối giờ làm việc chiều 24-10, chúng tôi thấy không khí làm việc vẫn nghiêm túc. Các cán bộ đang tập trung giải quyết dứt điểm các phần việc, cố gắng không để kéo dài sang hôm sau. Những năm gần đây, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn quận Thanh Xuân tiếp tục được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, bộ phận một cửa của quận tiếp nhận hơn 3.000 hồ sơ hành chính, bộ phận một cửa của 11 phường tiếp nhận gần 50 nghìn hồ sơ. Đáng lưu ý, cả cấp quận và cấp phường đều không có hồ sơ giải quyết chậm, muộn. Để xây dựng chính quyền điện tử, quận Thanh Xuân đã đầu tư, xây dựng phần mềm, nhắn tin SMS. Tất cả công dân làm thủ tục hành chính (TTHC) đều nhận được tin nhắn qua điện thoại. Hiện tại, quận Thanh Xuân có 55% TTHC triển khai mức độ 3, từng bước tiến tới nền hành chính hiện đại, chủ yếu giao dịch trên môi trường mạng.
Không chỉ ở khối chính quyền, công tác CCHC cũng đang được quận đẩy mạnh trong công tác Đảng. Hiện Thanh Xuân là quận duy nhất của TP Hà Nội có bộ phận giải quyết các thủ tục liên quan công tác Đảng và đảng viên. Phó trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Trần Thị Thu Hà cho biết: từ tháng 4-2017, quận đã duy trì nền nếp hoạt động bộ phận giải quyết thủ tục liên quan các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên tại cơ quan Quận ủy. Các thủ tục được xem xét và giải quyết ngay trong ngày, vào tất cả các ngày làm việc trong tuần, thay vì ba buổi một tuần như trước đây. Từ khi triển khai đến nay, bộ phận đã giải quyết thủ tục chuyển và tiếp nhận năm tổ chức đảng; chuyển và tiếp nhận 1.739 đảng viên, được cán bộ, đảng viên đánh giá cao.
Từ tháng 7-2018, các đơn vị trong quận đã đồng loạt triển khai đánh giá cán bộ công chức, viên chức hằng tháng. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến cho biết: tất cả cán bộ, công chức đều duy trì nền nếp, đăng ký lịch công tác tuần sau từ chiều thứ năm tuần trước và chậm nhất vào ngày 26 hằng tháng phải nộp bản tự đánh giá công tác tháng trước và kế hoạch tháng sau. Việc công khai kết quả xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức đến từng đơn vị và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của quận đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc chấp hành nội quy công việc, tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.
Với cách làm bài bản, từ đầu năm đến nay, công tác CCHC từ thành phố tới cơ sở đã thu được nhiều kết quả khả quan. Nổi bật là việc đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến nay, 100% cơ quan, đơn vị thuộc thành phố có giao dịch với tổ chức và công dân đã xây dựng, ban hành quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện tốt quy định về công khai các nội dung, thời gian làm việc, kết quả giải quyết, kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của công dân, doanh nghiệp. Trong quý III-2018, thành phố đã ban hành các quyết định công bố danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Từ ngày 1-8, 17 quận, huyện của thành phố bắt đầu triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cấp bản sao trích lục hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn), góp phần rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết TTHC cho người dân. Huyện Gia Lâm đã đơn giản hóa hơn 70 TTHC. Quận Nam Từ Liêm đã giảm thời gian giải quyết 50 TTHC về tư pháp, đăng ký kinh doanh, tài nguyên môi trường. Từ quận đến phường đã thành lập tổ giải quyết nhanh TTHC theo yêu cầu, như cấp chứng tử trong 24 giờ, chứng thực tại nhà cho một số đối tượng đặc thù.
Nâng cao trách nhiệm công vụ
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đánh giá: Từ đầu năm đến nay, công tác CCHC của thành phố tiếp tục có sự chuyển biến tích cực và rõ nét. Thành phố đã triển khai đồng bộ tất cả các nội dung CCHC, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Công tác thanh tra, kiểm tra CCHC được chú trọng, tăng cường kiểm tra đột xuất, qua đó tạo chuyển biến khá rõ nét, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị.
Tại quận Thanh Xuân, các đơn vị trực thuộc thực hiện tự kiểm tra công vụ hơn 300 lượt. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan chấp hành nghiêm thời gian làm việc, kỷ luật lao động, các đơn vị tổ chức phân công nhiệm vụ cho người lao động đã rõ người, rõ việc; việc niêm yết và giải quyết TTHC đúng thời gian quy định. Ngoài các nội dung kiểm tra theo kế hoạch, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo việc kiểm tra công vụ đột xuất đối với Chủ tịch UBND phường Hạ Đình về một số vụ việc liên quan công tác quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường. Qua kiểm tra, quận yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc và không xem xét thi đua, khen thưởng và hạ mức đánh giá công tác năm 2018 với bốn đồng chí.
Ở huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, qua kiểm tra công vụ cho thấy, việc tuân thủ kỷ luật giờ giấc làm việc tại một số đơn vị chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng các sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa được xử lý kiên quyết. Trong quý II-2018, huyện Gia Lâm đã hạ mức thi đua 42 cán bộ, ở năm xã: Dương Hà, Kim Lan, Trung Mầu, Văn Đức, Yên Thường do thời điểm kiểm tra trong giờ hành chính, nhiều cán bộ công chức vắng mặt không có lý do, thậm chí, có bộ phận một cửa của địa phương còn không mở cửa làm việc.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra công tác CCHC trên địa bàn thành phố của Sở Nội vụ cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Đó là một số đơn vị chậm xây dựng và triển khai kế hoạch CCHC năm 2018, còn tình trạng tiếp nhận TTHC trực tiếp tại các phòng chuyên môn, không qua bộ phận “một cửa”. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bố trí lao động hợp đồng làm việc tại bộ phận “một cửa”. Việc xử lý văn bản, giải quyết công việc thông qua mạng đã được triển khai, song đến nay, hầu hết các đơn vị vẫn duy trì song song hai phương thức: qua mạng và trên văn bản giấy, khiến việc xử lý mất nhiều thời gian hơn...
Mới đây, trong cuộc làm việc với Sở Nội vụ, đối với công tác CCHC Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu những hạn chế này cần phải được các cấp, các ngành của thành phố tập trung khắc phục ngay trong thời gian tới. Cùng với đó, thành phố phải tăng cường các cuộc kiểm tra công vụ đột xuất. Bởi thực tế, vẫn còn tồn tại những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Từng cơ quan, đơn vị phải đánh giá lại xem trong ngành mình những lĩnh vực nào dễ xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu để tăng cường kiểm tra, đề ra giải pháp ngăn chặn. Có như vậy, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức mới được nâng cao, theo đúng tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
(Còn nữa)
(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 23-10-2018.