Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng từ hai đến ba lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).
Đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thủy hải sản…, đến hết tháng 11-2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, hai tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cụ thể, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng từ 7 đến 22% so với kế hoạch Tết năm 2020. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô. Nhìn chung, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.
Ngày 4-12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 5643/UBND-KT về bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá cả thiết yếu phục vụ Tết, nhất là tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và nguồn cung mặt hàng thịt lợn để kịp thời báo cáo, đề xuất các phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021. Bám sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn và thành phố, cập nhật kịp thời và tổ chức hiệu quả phương án bảo đảm cung cầu hàng hoá ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn.
Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn tập trung cung cấp thông tin dự báo thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ và cung ứng hàng hóa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trên địa bàn; tập trung kiểm tra các cơ sở giết mổ, sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, các cửa hàng thương mại, cửa hàng ăn uống tại các tuyến phố, các chợ, các cửa hàng kinh doanh trái cây... Việc tổ chức kinh doanh hàng hóa bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, quản lý chặt chẽ hoạt động các chợ hoa Tết.
Hiện, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Công Thương Hà Nội đang rà soát, bố trí địa điểm cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm kinh doanh, địa điểm bố trí tổ chức các hội chợ, chợ hoa, điểm bán hàng phục vụ Tết, phục vụ đời sống nhân dân. Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức một hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong tháng 1-2021 với quy mô dự kiến khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn; tổ chức từ 50 đến 60 chợ hoa xuân phục vụ Tết, năm phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức từ năm đến 10 tuần hàng giới thiệu các sản phẩm hàng hóa tại Hà Nội.
Các đơn vị liên quan phối hợp Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các kho hàng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng trên địa bàn. Cùng với đó, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường và ổn định giá bán, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường, tinh hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp và chức năng nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh lực lượng thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra vào lĩnh vực an toàn thực phẩm, để người dân yên tâm mua sắm Tết.