Mất an toàn lao động trong xây dựng vẫn tăng cao
Ngày 5-5, tại mỏ khai thác đá ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm một người chết. Theo các cơ quan chức năng, đây là mỏ khai thác đá của Công ty cổ phần Xi-măng Tiên Sơn. Trong quá trình khai thác, chiếc máy xúc do nạn nhân lái đã bị đá sập đè nát toàn bộ phần ca-bin. Nạn nhân không phải là công nhân của Công ty cổ phần Xi-măng Tiên Sơn, mà là người làm thuê cho một hộ làm dịch vụ bốc đá tại đây. Sau sự cố, lãnh đạo Công ty cổ phần Xi-măng Tiên Sơn thừa nhận trách nhiệm do không kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điều kiện lao động của đơn vị làm thuê, cho nên đã không kịp thời phòng ngừa tai nạn. Sau đó hai ngày, ngày 7-5, sàn treo để lắp kính tại một công trình xây dựng cao tầng trong ngõ 178 Thái Hà, quận Đống Đa cũng bất ngờ rơi xuống đường khiến hai người ngồi dưới đường bị thương. Những tai nạn lao động nêu trên khiến không ít người lo ngại về công tác bảo đảm ATVSLĐ tại các công trình xây dựng.
Theo số liệu của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, chỉ tính riêng năm 2017, toàn thành phố đã xảy ra 254 vụ tai nạn lao động, làm 269 người chết và bị thương. Trong đó, có 29 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 31 người chết và bốn người bị thương nặng. So với năm 2016, năm 2017 tổng số vụ tai nạn lao động tăng 149 vụ, nhưng số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (dẫn đến chết người) đã giảm 20 vụ, số người chết giảm 18 người, số người bị thương nặng giảm ba người. Qua theo dõi, hầu hết các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu tập trung trong ngành xây dựng (chiếm 65,5%). Phần lớn nạn nhân của các vụ tai nạn là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới ba tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công trình xây dựng. Đáng lưu ý, việc khai báo, thống kê, báo cáo về tình hình tai nạn lao động chưa được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi che giấu, không khai báo với cơ quan có thẩm quyền khi có tai nạn lao động xảy ra theo quy định, mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân dẫn đến quyền lợi của nhiều người lao động bị vi phạm và số liệu thống kê chưa phản ánh đúng thực trạng.
Từng bước đẩy lùi nguy cơ tai nạn lao động
Ngay trong Tháng hành động về ATVSLĐ, các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tại cơ sở. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng bảo đảm ATVSLĐ, đưa người lao động đi khám sức khỏe định kỳ. Công đoàn các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại các đơn vị doanh nghiệp có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động.
Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây phối hợp Trung tâm Y tế thị xã và Hội Doanh nghiệp Sơn Tây tổ chức khám bệnh, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho hàng trăm đoàn viên, công nhân lao động. Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã phát động Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ hai năm 2018 tới toàn thể cán bộ công nhân viên. Năm 2017, EVN Hà Nội đã tổ chức huấn luyện về quy trình an toàn điện cho hơn 5.000 cán bộ, công nhân viên, đồng thời kiểm tra hơn 2.700 lượt về công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ tại các đơn vị trực thuộc. Trong năm 2018, Tổng Công ty phấn đấu sẽ làm tốt hơn công tác này, góp phần nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các đơn vị, cá nhân trong công tác ATVSLĐ.
Bảo đảm điều kiện và môi trường lao động lành mạnh là một yêu cầu quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ gìn an toàn lao động, giảm và ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nội dung được thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 là điểm nhấn để nhắc nhở các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường quản lý, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác này. Qua đó, phát động phong trào sâu rộng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt Luật ATVSLĐ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động cũng như bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của nhân dân. Đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu, bên cạnh các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng văn hóa an toàn lao động, chú trọng huấn luyện ATVSLĐ, ưu tiên đầu tư cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, nhằm giảm nhẹ sức lao động, tạo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh cho người lao động. Cùng với đó, người lao động cần chủ động, tự giác thực hiện các quy định về an toàn lao động, trang bị kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình.