Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây mắc-ca.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây mắc-ca.

Điện Biên chú trọng tư vấn, đào tạo nghề gắn với việc làm theo nhu cầu thị trường lao động

Xác định tầm quan trọng công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, gắn với nhu cầu việc làm để người học không lâm cảnh “thất nghiệp” sau đào tạo, thời gian qua, tỉnh Điện Biên chú trọng tư vấn hướng nghiệp cho nhân dân; đồng thời quan tâm chỉ đạo các huyện phải nắm bắt nguyện vọng người học, nhu cầu thị trường việc làm để định hướng cho người lao động chọn nghề phù hợp…

Là một trong số hàng nghìn người được tham gia đào tạo nghề ngắn hạn về chăm sóc cây trồng do huyện Nậm Pồ tổ chức, chị Quàng Thị Hoa, ở bản Tân Phong xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã có việc làm ổn định tại Si Pa Phìn.

Điện Biên chú trọng tư vấn, đào tạo nghề gắn với việc làm theo nhu cầu thị trường lao động ảnh 1

Công nhân Hợp tác xã rau sạch Si Pa Phìn chăm sóc rau trồng trong nhà lưới.

Chị Quàng Thị Hoa cho biết, trước khi đăng ký khóa đào tạo nghề trồng trọt tại huyện, chị đã được cán bộ hội nông dân xã tư vấn, hướng dẫn chọn lựa nghề học phù hợp trình độ, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tại địa bàn.

Chính nhờ đó, chị quyết định chọn tham gia khóa hướng dẫn trồng trọt, chăm sóc cây trồng nông nghiệp đúng kỹ thuật và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường.

Ngay sau khi kết thúc khóa học nghề ngắn hạn, chị Quàng Thị Hoa đã tìm được việc làm, được Hợp tác xã rau Si Pa Phìn tuyển dụng lao động chính thức làm việc tại vườn rau Si Pa Phìn. Với mức lương trung bình từ 7-8 triệu đồng mỗi tháng, chị Hoa đã chủ động hơn trong cuộc sống và có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình tốt hơn.

Chị Hoa chia sẻ: “Được làm việc gần nhà, tôi vẫn có thời gian chăm lo cho con cái, chứ đi làm xa nhà thì con cái thiệt thòi vì thiếu hơi ấm của mẹ. Các cháu lại đang tuổi ăn tuổi lớn cho nên có mẹ ở gần là tốt hơn”.

“Được làm việc gần nhà, tôi vẫn có thời gian chăm lo cho con cái, chứ đi làm xa nhà thì con cái thiệt thòi vì thiếu hơi ấm của mẹ. Các cháu lại đang tuổi ăn tuổi lớn cho nên có mẹ ở gần là tốt hơn”.

Quàng Thị Hoa, Công nhân tại Hợp tác xã rau sạch Si Pa Phìn, tỉnh Điện Biên

Cũng là người con của đồng bào dân tộc Thái vừa được tham gia khóa đào tạo nghề ngắn hạn là trồng, chăm sóc cây cà-phê, anh Lò Văn Lả ở xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng vui vẻ cho biết, với các kiến thức được tiếp nhận từ khóa học giúp anh hiểu về quy trình sinh trưởng và các bệnh thường gây hại cho cây.

Tới đây, anh quyết định vay thêm vốn mở rộng diện tích cà-phê của gia đình, tạo thêm công ăn việc làm cho các con các cháu chủ động phát triển kinh tế trên đất nương của gia đình.

Anh Lò Văn Lả cho biết: “Cà-phê là cây chủ lực của huyện, của xã đã gắn bó với người dân Mường Ảng mấy chục năm nay, do vậy tôi chọn học trồng, chăm sóc cà-phê vì mong muốn chủ động chăm cây cà-phê của gia đình và khi có thời gian tôi vẫn có thể đi làm thêm cho các chủ vườn lớn tại huyện. Như thế tôi vừa có thêm thu nhập vừa có điều kiện học tập, nâng cao kiến thức chăm sóc cây”.

Điện Biên chú trọng tư vấn, đào tạo nghề gắn với việc làm theo nhu cầu thị trường lao động ảnh 2

Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên hướng dẫn nông dân xã Ẳng Tở chăm sóc, trị bệnh cho cây cà-phê.

Trao đổi về cách thức tư vấn đào tạo nghề, hướng dẫn người dân chọn lựa nghề phù hợp nhu cầu người học là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn, ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, cho biết, thể theo nguyện vọng, nhu cầu của người lao động là con em các các dân tộc H’Mông, Thái, Dao, Cống… cho nên Nậm Pồ coi trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo nhu cầu người học và đáp ứng thị trường việc làm.

Với các khóa học có nhiều học viên nữ, huyện chỉ đạo còn bố trí thời gian học vào buổi tối để ban ngày phụ nữ vẫn làm việc nhà, lao động sản xuất kịp mùa vụ.

Trong năm 2024, Nậm Pồ đã đào tạo nghề cho gần 1.400 học viên trong số đó có tới 80% học viên đã tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm phù hợp nghề học. “Trung tuần tháng 9/2024, Trung tâm Giáo dục và đào tạo nghề huyện Nậm Pồ và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Giáo dục Thăng Long đã tổ chức đào tạo nghề may dân dụng cho 140 học viên. Ngay sau khi hoàn thành khóa học, có sự tư vấn, kết nối của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Giáo dục Thăng Long, rất nhiều học viên đã ký hợp đồng lao động dài hạn với các công ty may ở các Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình với mức lương dao động từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng” - ông Nguyễn Hữu Đại cho biết.

Điện Biên chú trọng tư vấn, đào tạo nghề gắn với việc làm theo nhu cầu thị trường lao động ảnh 4

Nông dân xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ thu hoạch chanh leo trồng theo tiêu chuẩn Viet-GAP.

Ở huyện Mường Ảng, trước mỗi khóa đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, thì chính quyền các xã đều tổ chức họp, thông báo đến toàn thể nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, xã giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo giảm nghèo phải về từng bản phối hợp với trưởng bản nắm nguyện vọng người dân.

Ông Đào Duy Thạch, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho biết, để thuận tiện cho người học, huyện yêu cầu Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện phải tổ chức theo từng xã, từng cụm xã để người học không phải đi lại xa, được ăn ở tại nhà nên họ yên tâm theo học.

Thực hiện theo phương cách đó, trong năm 2024, Mường Ảng đã tổ chức 25 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến cà-phê và phòng, trị bệnh cho vật nuôi (cụ thể là con lợn), thu hút hơn 1.600 lao động. 100% lao động đều tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân sau khi hoàn thành các khóa học nghề ngắn hạn tại huyện.

Điện Biên chú trọng tư vấn, đào tạo nghề gắn với việc làm theo nhu cầu thị trường lao động ảnh 5

Học sinh lớp 12 Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên được tư vấn học nghề trước khi các em làm hồ sơ đăng ký thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Chính từ việc được giải quyết việc làm người lao động ở Điện Biên đã có thu nhập ổn định, có nguồn đầu tư phát triển kinh tế, do đó tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên trong năm 2024 đã giảm 4,06% so năm 2023.

Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên

Đánh giá cao sự quan tâm của các ngành, các huyện trong việc chỉ đạo, tổ chức đào tạo nghề phù hợp nhu cầu người lao động tại Điện Biên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, khẳng định rằng, công tác đào tạo nghề cho người lao động luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành.

Riêng năm 2024 toàn tỉnh Điện Biên đã giải quyết việc làm mới cho 11.099 lao động (vượt 20,64% kế hoạch đặt ra); tuyển sinh, đào tạo nghề cho 10.958 học viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngoài kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số thì nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm của tỉnh, nguồn vốn ngân hàng chính sách đã hỗ trợ cho vay hàng chục tỷ đồng tạo việc làm, mở rộng việc làm cho gần 2.000 người đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính từ việc được giải quyết việc làm người lao động ở Điện Biên đã có thu nhập ổn định, có nguồn đầu tư phát triển kinh tế, do đó tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên trong năm 2024 đã giảm 4,06% so năm 2023.

back to top