Quy hoạch - Ðầu tư

Tăng diện tích xanh cho đô thị

Diện tích cây xanh, công viên, vườn hoa, mặt nước sông hồ ở thành phố Hà Nội, nhất là khu vực nội đô, rất cần được đầu tư chăm sóc.

Diện tích xanh không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân, mà còn là tiền đề phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

Những năm qua, Hà Nội đã tích cực kêu gọi đầu tư gần 30 dự án công viên lớn, song đến nay, số lượng đưa vào sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay như các Công viên: Hòa Bình, Cầu Giấy, Yên Sở... Nhiều dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, việc thiếu mảng xanh, khu vực công cộng cho người dân ngày càng rõ nét. Vào dịp cuối tuần, hoặc nghỉ lễ, người dân Thủ đô khó tìm được một nơi thư giãn, nghỉ ngơi ưng ý trong nội đô.

Hiện nay, không gian công cộng tồn tại dưới ba loại hình chủ yếu gồm: Không gian công cộng chính thống (quảng trường, công viên, phố đi bộ, vườn hoa...), không gian công cộng phi chính thống (vỉa hè, siêu thị...) và không gian cộng đồng trong các làng trong phố, khu tập thể cũ, khu đô thị mới... Tại khu vực nội đô lịch sử, nơi tập trung dân cư đông đúc, tỷ lệ đất được dành làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Một số công viên lớn như Thủ Lệ, Thống Nhất, Tuổi trẻ Thủ đô… chưa được chú trọng đầu tư, duy tu sửa chữa thường xuyên, cho nên xuống cấp, không thu hút người dân tham quan, sinh hoạt. Theo chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt thuộc Tổ chức HealthBridge Ca-na-đa tại Việt Nam, hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình chỉ có 3 m2 diện tích không gian công cộng/người.

Ðiều đáng suy ngẫm hơn, sự phát triển kinh tế đã khiến không gian công cộng bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm và thương mại hóa. Theo kết quả khảo sát năm 2020 của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), có đến 98% số người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố Hà Nội. Quỹ đất sau khi di dời được thay thế bằng công viên, cơ sở y tế. Ðiều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% số người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là rất quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", một trong 19 chỉ tiêu cụ thể được xác định là cải tạo nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có và đầu tư xây dựng mới năm công viên, vườn hoa… Ðể cụ thể hóa các mục tiêu nêu ra, Thường trực HÐND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát thực trạng công tác quản lý, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; các giải pháp về đầu tư, quản lý sau đầu tư trong thời gian tới; kế hoạch, danh mục công viên, vườn hoa cụ thể đề xuất đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp; kế hoạch, đề xuất trồng cây mới, thay thế cây trên tuyến phố cũ và trồng mới trên các tuyến đường, tuyến phố mới mở giai đoạn 2021 - 2025...

Ðây là những mục tiêu rất cụ thể, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Nhưng, để triển khai thực hiện có hiệu quả, nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, thành phố phải có kế hoạch, biện pháp quyết liệt. Nhất là sáu quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vừa được UBND thành phố phê duyệt là cơ sở pháp lý rất cần thiết, quan trọng để tăng diện tích xanh cho khu vực nội đô trong thời gian tới.

NGUYÊN ÐÀO