Đô thị hóa mạnh đã khiến diện tích không gian xanh của Thủ đô dần bị thu hẹp. Thêm vào đó, nhiều công viên cũ xuống cấp. Trước nhu cầu bức thiết của đời sống đô thị, năm 2014, thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống công viên, vườn hoa, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khu vực nội đô Hà Nội sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và bảy khu công viên đặc thù. Từ đó đến nay, hàng loạt dự án xây dựng công viên lớn được khởi công như công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy; công viên hồ Phùng Khoang, công viên Kim Quy... nhưng tiến độ triển khai chưa như mong muốn.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, từng bước thay đổi diện mạo đô thị, góp phần phục vụ nhu cầu của người dân, vừa qua thành phố Hà Nội tiếp tục đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công viên chậm tiến độ. Cùng với đó, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành sáu công viên trong ba năm tới, gồm Công viên Chu Văn An, diện tích 50,93ha; công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, diện tích khoảng 31,7ha; công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, diện tích 11,2ha; công viên hồ Phùng Khoang, diện tích khoảng 11,8ha; công viên văn hóa vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, diện tích khoảng 96,7ha.
Các cơ quan chức năng và chủ đầu tư cho biết, các công viên này sẽ đạt tiến độ đề ra; bởi tất cả đều đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư và đã thi công một số hạng mục. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phải kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Hà Nội cũng tăng cường kêu gọi đầu tư các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh trên địa bàn thành phố.
Những năm gần đây, trong quy hoạch, Hà Nội chú trọng đẩy mạnh yếu tố “xanh” để tăng mảng xanh cho đô thị. KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam khuyến nghị, nếu nguồn lực của Hà Nội hạn chế, thành phố nên tập trung đầu tư có trọng điểm cải tạo các công viên trung tâm ở nội đô, kể cả vườn hoa nhỏ đã có. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế hợp lý thu hút đầu tư nhằm bảo đảm diện tích công viên, cây xanh được xây dựng theo đúng quy hoạch, lợi ích cho nhà đầu tư; tăng cường quản lý để tránh những biến tướng trong quá trình thực hiện.
Vài năm gần đây, nhiều dự án trên địa bàn cũng được quy hoạch tăng mảng xanh trong khuôn viên, vừa đáp ứng nhu cầu của cư dân, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia quản lý đô thị vẫn đề nghị, Hà Nội cần thường xuyên rà soát, giám sát tiến độ triển khai tạo dựng mảng xanh cho đô thị; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư. Cơ quan chức năng của Hà Nội cần tiếp tục tổ chức giám sát việc thực hiện việc di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô dành đất cho công viên, cây xanh, hạ tầng xã hội, hạn chế xây dựng nhà cao tầng..., theo đúng chủ trương đã đề ra.