Tăng Chỉ số PAPI bằng cải thiện sự hài lòng của người dân

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển năng động bậc nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (Chỉ số PAPI) năm 2023 vừa công bố, các địa phương trong khu vực này đều vắng bóng trong nửa trên bảng xếp hạng (ngoại trừ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 9/63, tỉnh Bình Dương không xếp hạng do dữ liệu bị khuyết). Đây là chỉ dấu cho thấy, các địa phương cần sớm khắc phục những hạn chế để có được sự hài lòng người dân.

Bắt đầu khảo sát tại Việt Nam từ năm 2009, Chỉ số PAPI được xem là bộ công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Thông qua khảo sát hằng năm, Chỉ số PAPI đánh giá cơ bản mức độ hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Chỉ số PAPI đo lường 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công, được khảo sát trong toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong suốt 15 năm qua, có tới gần 198.000 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá, trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI. Năm 2023, gần 20.000 người dân tham gia trả lời phỏng vấn với hơn 500 câu hỏi về các chính sách và quy định mới.

Trở lại với bảng xếp hạng PAPI năm 2023, ở vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có sự cải thiện đột biến thứ bậc khi xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 25 bậc so với xếp hạng PAPI năm 2022. Đây là bước tiến lớn của tỉnh trong cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, ở vùng Đông Nam Bộ, ngoài Bà Rịa-Vũng Tàu, tất cả các tỉnh, thành phố khác trong vùng đều có Chỉ số PAPI 2023 thấp hơn mức trung bình cả nước. Đơn cử, dù có Chỉ số PAPI xếp thứ 2 ở vùng Đông Nam Bộ, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh chỉ xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố dù đã tăng lên 7 bậc so với năm 2022. Với thứ hạng thấp như vậy, rất dễ hình dung 8 chỉ số nội dung đo lường PAPI của Thành phố Hồ Chí Minh phần lớn chỉ đạt ở mức từ trung bình thấp đến trung bình cao.

Cùng thời điểm công bố xếp hạng Chỉ số PAPI 2023, thông tin về kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý I/2024 của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đều có mức tăng trưởng khả quan và tiếp tục giữ vai trò động lực phát triển kinh tế cả nước. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận các chỉ số thành phần trong kết quả đánh giá PAPI 2023 sẽ nhận ra rằng, chính quyền các địa phương vẫn còn rất nhiều hạn chế mà nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, thậm chí “kìm hãm” sự tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo ý kiến các chuyên gia, Chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm thực tế của người dân, doanh nghiệp đối với nền hành chính của mỗi tỉnh, thành phố. Dữ liệu từ Chỉ số PAPI phục vụ cho việc hoạch định chính sách rất phong phú. Dựa trên những dữ liệu này, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ có thể trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Để khắc phục những bất cập, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng cần ưu tiên tập trung giải quyết những vấn đề người dân ít hài lòng nhất. Địa phương cần chọn từng lĩnh vực ưu tiên để cải thiện trong từng năm; trong đó, cần chú trọng vào một số chỉ số có dư địa lớn để cải thiện, chẳng hạn như chỉ số quản trị điện tử, cung ứng dịch vụ công, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.