Tầm vông Bảy Núi

Trong kháng chiến cứu nước, cây tầm vông vạt nhọn trở thành vũ khí tiêu diệt kẻ thù, gìn giữ từng tấc đất quê hương. Khi non nước thanh bình, tầm vông là nguồn kế sinh nhai, thoát nghèo bền vững của hàng nghìn hộ dân vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Tầm vông sau khi đốn, róc sạch nhánh và lá sẽ được đưa vào lò lửa để uốn (bẻ) cho thẳng trước khi bán cho thương lái.
Tầm vông sau khi đốn, róc sạch nhánh và lá sẽ được đưa vào lò lửa để uốn (bẻ) cho thẳng trước khi bán cho thương lái.

Cây tầm vông thường dùng để sản xuất các loại bàn ghế, sofa mỹ nghệ; trong xây cất nhà, bunggalow, trang trí khu du lịch, nhà hàng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, tầm vông còn được dùng làm giàn cây, chống đỡ trong trồng trọt hoa màu... Các xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trồng nhiều tầm vông với diện tích khoảng 600 ha.

Trong đó, khu vực trồng tập trung là chân núi Tượng, ô Ðá, ven hai bên Tỉnh lộ 55B, thuộc thị trấn Ba Chúc. Trên đường dẫn vào Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, tầm vông trải dọc hai bên đường xanh ngút tầm mắt. Thời gian qua, con đường tầm vông này được giới trẻ chọn làm điểm đến check-in bên cạnh hồ nước ngọt và suối Ô Tà Sóc.

Tầm vông thuộc họ tre, có khả năng chống chọi thời tiết khắc nghiệt của vùng Bảy Núi. Theo kinh nghiệm, tầm vông trồng khoảng ba năm là có thể thu hoạch được. Mật độ trung bình mỗi công (1.000 m2) khoảng từ 100-200 bụi tầm vông, tùy vào người trồng muốn dày hay thưa, mỗi bụi có thể thu hoạch từ 10-50 cây/năm. Trong năm, có thể thu hoạch hai lần, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tầm vông nằm dưới chân núi Dài lớn của gia đình, anh Tứ Hải nói, tầm vông trồng trên đất lẫn núi đá sẽ có chất lượng tốt hơn ở đồng bằng, nhưng nó không chỉ được trồng trên núi, mà người ta trồng ở khắp mọi nơi có thể: Theo bờ vườn, ranh đất, nơi không có khả năng trồng trọt các loại cây kinh tế khác. "Nhờ bộ rễ chùm bám đất tốt, ngoài việc đem lại nguồn thu nhập cho kinh tế hộ gia đình, tầm vông còn khả năng bảo vệ đồi đất dốc, hình thành những vành đai chống sự xói mòn của lũ núi, bào mòn độ màu mỡ. Khu vực trồng tầm vông sẽ bảo đảm sự ôn hòa của khí hậu, giảm tác động môi trường chung quanh, nhất là gió xoáy ở chân núi Dài lớn", anh Hải chia sẻ.

Còn ông Tư Ngoạn, 78 tuổi, là người dân cố cựu ở Ba Chúc cho biết, muốn tầm vông phát triển tốt và suôn, chủ vườn phải chăm sóc ngay từ lúc mới mọc măng, chọn những cây măng to khỏe chừa lại, tỉa bỏ bớt cây già, cây xấu. "Cây tầm vông cắm xuống đất cơ bản là sống, chỉ cần chờ tới ngày thu hoạch. Vườn tầm vông 1.000 m2 cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm, mà rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lại chịu được hạn hán khô cằn của xứ núi.

Theo ông Ngoạn, có thể nói cây tầm vông là cây thoát nghèo của xứ núi, bởi một công đôi ba chuyện, tới mùa thu hoạch tầm vông là nhà nhà có việc làm, người người có việc làm. "Người ta kéo nhau đi đốn tầm vông thuê, vận chuyển, khuân vác ra bãi, ra lò uốn tầm vông vui như đi chợ. Mỗi người một việc, đàn ông, phụ nữ đều có việc làm, thu nhập từ 200.000- 300.000 đồng/ngày/người", ông Tư Ngoạn cho hay.

Những ngày này, dọc hai bên tuyến đường nhựa chạy qua xã Lương Phi, Ba Chúc,... tầm vông được đốn, tập kết thành từng đống cao, chờ vận chuyển ra các lò uốn ở ven bờ kênh Bến Xã. Khu vực này là điểm tập kết của các vựa tầm vông: Hai Ngọc, Bảy Sách, Hai Mẫn, Sáu Kiểng, Ba Bul. Mỗi vựa có một mảnh đất rộng lớn chứa tầm vông tươi vừa đốn, cùng 4-5 lò uốn (như lò rèn, dùng lửa uốn thẳng cây tầm vông) và bãi tầm vông thẳng chất thành từng bó, từng đống chờ giao cho bạn hàng.

Tại vựa tầm vông Hai Ngọc, có bốn lò lửa luôn rực cháy để uốn tầm vông với hơn chục nhân công làm việc liên tục. Chiếc lò lửa được cố định trong một khung sắt và gỗ lớn rất chắc chắn. Miệng lò có một thanh gỗ lớn chắn ngang chừa kẽ hở vừa đủ để người thợ đút gốc cây tầm vông vào. Tầm vông được trải hàng ngang đều đặn, gốc cây nằm gần khu vực lửa đang rực cháy. Cách đó hơn 1m, có một giàn mốc sắt được đính vào dây thừng cố định bên dưới để giữ thân cây không bật lên cao.

Theo chia sẻ của anh Trí, một thợ uốn tầm vông tại đây: Uốn thẳng là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng và độ sắc sảo của cây tầm vông. Cây thẳng, ít đốm (do quá lửa) sẽ có giá cao và ngược lại. Người thợ lành nghề mới biết cách đảo chiều tầm vông tạo dáng thẳng, nhìn ngọn lửa, chiều thổi của gió mà dàn đều thân từ gốc đến ngọn. Thợ uốn tầm vông có người ăn theo sản phẩm, theo từng cây nhưng anh Trí thì nhận lương theo tháng vì làm ở vựa này 10 năm rồi.

Vào mùa thu hoạch rộ, mỗi ngày, các vựa tầm vông tại đây cung cấp khoảng vài chục nghìn cây cho các tỉnh, thành phố vùng miền tây và Ðông Nam Bộ. Tầm vông thành phẩm chia làm nhiều loại theo kích thước, từ 4-9 mét, giá từ 4.000-6.000 đồng/mét. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn khẳng định, trồng tầm vông cho hiệu quả kinh tế khá cao nhờ đầu ra ổn định quanh năm. Người trồng, người làm công cũng có việc làm thu nhập khá, lại ít rủi ro. Thuở trước, cây tầm vông vạt nhọn được cha ông dùng làm vũ khí chống quân thù, thì giờ đây nó là cây thoát nghèo bền vững cho số đông đồng bào nghèo vùng Bảy Núi.