Tấm thẻ xanh cho nông dân

Kể từ năm 2016, một chương trình “Nông nghiệp bền vững tích hợp” sẽ được phát triển tại Việt Nam (ISAP Việt Nam). Tham gia vào đó, mỗi người nông dân, mỗi doanh nghiệp sẽ được gắn “mã thẻ xanh” để định danh trong chuỗi liên kết toàn cầu.


Ảnh: Huỳnh Lâm
Ảnh: Huỳnh Lâm

Một nét nhỏ về người nông dân hiện nay

Chị Nguyễn Thị Lý vốn quê Hưng Yên, cứ nông nhàn là ra Hà Nội chạy chợ, kiếm thêm. Cùng trọ với chị là những người phụ nữ từ nhiều làng quê xứ bắc, họ chủ yếu chọn nghề buôn thúng bán mẹt hoặc đồng nát… Ngày bắt đầu từ 3 giờ sáng, đến khi hết được gánh rau cũng phải 8 giờ tối. Những người phụ nữ ấy, không có sự lựa chọn nào khác, giống như họ biết là rau có chất cấm, độc hại, nhưng vẫn phải bán và vẫn ăn… Trò chuyện với chị Lý về thứ “tội ác” đầu độc đồng loại khi trồng và mua bán những thực phẩm có chất cấm, gương mặt còn chút dấu ấn quê cứ thần ra. Nhưng cũng chỉ lát sau chị lại tặc lưỡi- Cô bảo không vậy, lấy gì kiếm đồng ra đồng vào cho các cháu nó ăn học? Cả làng họ vậy mà…

Vâng, chị cũng có cái lý của chị, và cũng khó lòng dùng chuẩn đạo đức để lên án chị. Những người nông dân, vốn dĩ là thuần hậu, giờ vì mưu sinh mà số lần tặc lưỡi “chết người” cứ tăng lên, cho đến khi phản xạ áy náy lương tâm dần trở nên thưa vắng…

Tấm thẻ xanh cho nông dân ảnh 1

Ảnh: Việt Hưng



Bên cạnh khu chợ cóc chị Lý bán hàng, mới xuất hiện siêu thị lớn. Trong đó, có bán các loại rau sạch, thực phẩm sạch. Họ thậm chí còn sơ chế rau củ, thực phẩm thành những món đồ rất tiện lợi… Giờ thì chị vẫn tự tin, số tiền chị thu về mỗi ngày chẳng phạm gì đến số tiền lãi to hay bé của cái siêu thị hoành tráng ấy… Nhưng đó chỉ là chuyện trong ngắn hạn. Về lâu dài, thì người dân sẽ lựa chọn “mua lấy niềm tin” ở siêu thị hơn là xuề xòa mua cho xong bữa với mẹt hàng không tên tuổi…

Rất nhiều người nông dân còn mơ hồ với việc mình sẽ không thể trồng cấy, chăn nuôi và bán mua theo cách cả nghìn đời vẫn làm được nữa. Hội nhập với những yêu cầu cao về chất lượng, niềm tin, đã thật gần…

Định danh trong chuỗi liên kết

Làm sao để người nông dân và nói rộng hơn là nền nông nghiệp của một đất nước vốn luôn coi “nông nghiệp là bệ đỡ” có thể phát triển được bền vững? Câu chuyện không thể được tiến hành chỉ từ trên xuống, từ bàn giấy chính sách mà nó cần cách tiếp cận từ dưới lên. Người đàn bà thôn quê tên Lý và nhiều người khác nữa, ra thành phố làm việc còn hiểu đôi chút về thế thời đã thay đổi ra sao? Nhưng với đa số những người nông dân, nhận thức được về hội nhập, về phát triển bền vững để họ có thể nhập cuộc quả thật còn quá xa xôi.

Để trả lời câu hỏi này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng hai cơ quan thành viên của LHQ là Tổ chức Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc (UNGC) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) triển khai ISAP Việt Nam trong giai đoạn 2015-2018, với mục tiêu tăng cường tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt thông qua việc hỗ trợ các nông hộ, doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận tư vấn chuyển đổi mô hình, phương thức canh tác theo hướng bền vững, giúp nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời tự xây dựng kênh quảng bá sản phẩm của mình với các bạn hàng trong và ngoài nước.

Điều ISAP theo đuổi là làm sao cho chuỗi cung ứng lương thực và hệ thống nông nghiệp trên toàn cầu trở nên bền vững hơn, bắt đầu từ việc giúp nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp “suy nghĩ” và “hành động” một cách bền vững. Cái hay của việc tham gia vào ISAP chính là việc người nông dân và doanh nghiệp, vốn dĩ chưa được nhận diện trong hệ thống trực tuyến, sẽ được gắn “mã số xanh”, giống như “thẻ xanh” để ra với toàn cầu. Thay vì lo lắng không biết tiêu thụ sản phẩm thế nào, giá cả ra sao thì họ sẽ có kênh để kết nối với người mua toàn cầu, với nhóm khách hàng ngày một lớn cùng ý thức ưu tiên sử dụng nguồn sản phẩm mang tính bền vững.

Với việc tiến hành thử nghiệm bắt đầu từ hồi tháng 7 vừa qua, các cán bộ của ISAP Việt Nam cho biết, tín hiệu thu về rất tích cực. Người nông dân khá hào hứng với ý tưởng mới mẻ này. Có người còn chia sẻ, cứ như họ được nối cánh tay vươn ra ngoài mảnh ruộng, đất làng của họ. Khi tham gia, nông dân và doanh nghiệp có thể đăng ký và lập hồ sơ cá nhân trực tuyến bao gồm thông tin về sản phẩm, dịch vụ, khả năng thương mại, xuất khẩu của họ. Việc được cấp “mã số xanh”, mã số định danh duy nhất, định vị toàn cầu, sẽ giúp họ được nhận diện trong bất cứ mắt xích nào trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, VCCI đã tập hợp được cơ sở dữ liệu của 3.000 nông dân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Dự kiến, từ quý I năm 2016, khởi động hệ thống dữ liệu “mã số xanh”.

Việt Nam là quốc gia tiên phong tham gia áp dụng ISAP, bên cạnh đó là Mi-an-ma và Ma-lai-xi-a. Dự kiến đến năm 2016, sẽ có thêm 20 nước trên thế giới cùng tham gia. Về lý thuyết, triển vọng của dự án là rất đáng kể, nếu không muốn nói là tạo nên sự chuyển biến cơ bản về nhận thức cho người nông dân. Nhưng đem những gì mà ISAP hướng đến để soi tỏ vào điều kiện hiện nay của số đông nông dân có thể thấy còn quá nhiều thách thức, chẳng hạn bà con còn băn khoăn về những hạn chế trong năng lực đáp ứng từ cả công nghệ thông tin đến ngoại ngữ… Rồi họ lo lắng tham gia vào ISAP liệu có khiến cho chi phí sản xuất tăng lên không?...

Vòng tròn xanh bắt đầu được kết nối và lan tỏa… Nó mang đến niềm tin vào nông nghiệp bền vững… Chia sẻ với chị nông dân tên Lý những điều này, chị xòe tay nhẩm tính. Năm 2016 bắt đầu, không biết bao giờ chương trình về được với làng quê nhỏ của chị? Chưa thể có câu trả lời cụ thể. Nhưng ít nhất cũng có cái để hy vọng. Rằng, chị sẽ sống được trên đất làng, có thể làm ra những sản phẩm mà không lo “thất đức”…

Ngọn đèn nhỏ chong lên trong đêm đông, gánh hàng rau còn kha khá nhiều…