1 Em làm hướng dẫn viên cho một khu du lịch sinh thái ở cù lao Minh. Tôi nói, muốn đi tìm “hồn xưa năm cũ” của miền tây. Em bảo, tôi là khách khó tánh nhứt và có yêu cầu quái lạ nhứt. Những công ty du lịch lớn, nhỏ ở cù lao này chưa có “sản phẩm” như thế bao giờ. Mà cũng hổng có mấy ông khách đòi hỏi trời ơi như tôi. Nhưng em sẽ ưu ái một lần, cho tôi, cũng là để em tìm thấy chính mình.
Tôi nói nhẹ với em: “Nhạc sĩ Giao Tiên chỉ về Vĩnh Long một chuyến đã sáng tác bài “Tình đẹp mùa chôm chôm” làm nức lòng người yêu nhạc. Em cho anh tìm lại những cảm xúc ấy, chỉ cần một chuyến đi, anh viết được bài thật hay để cái “văn minh miệt vườn” đi khắp năm châu”. Đáp lại, em mủm mỉm cười rồi mướn chiếc ghe tam bản gắn máy đuôi tôm để đưa tôi rong ruổi chốn miệt vườn.
Ngược sóng nước sông Tiền, thành phố sau lưng lãng đãng mờ xa. Mùa này, nước từ thượng nguồn đang rút mạnh nên những vườn cây trái Vĩnh Long có hôm mấp mé tràn bờ. Nhưng hổng ai lo. Trái lại, xuồng ghe tấp nập, ngược xuôi. Ở xứ sở này, người ta đã biết sống chung với lũ lụt nên hào hứng đón chờ mỗi năm tới mùa nước nổi.
Vượt qua sông Cái, chiếc ghe chui tọt vào một con rạch chẻ dọc cù lao Minh. Anh Tám Gạch vừa cầm lái chiếc ghe, vừa mở cát-set đĩa với bài “Tình đẹp mùa chôm chôm”. Bản tình ca bolero của Giao Tiên chân thực và đẹp, chạm vào lòng người. Quê hương của “văn minh miệt vườn” Vĩnh Long hiện rõ qua từng câu hát. Tôi mãi đắm say với đoạn “…Đưa em sang sông/ vào vườn chôm chôm hái trái, bằng xuồng ghe máy đuôi tôm/ Vườn sai trái ngọt/ Tình mình vẫn thật đậm đà…”.
Cù lao Minh, còn gọi cù lao Dài, phần lớn diện tích là địa phận của tỉnh Bến Tre. Phần diện tích thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chỉ có bốn xã An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước. Cù lao này rộng lớn, ôm lấy nhiều cù lao nhỏ do sông rạch, kênh đào chằng chịt, xẻ ngang, xẻ dọc. Trăm năm nay, người cù lao Minh sống gắn bó máu thịt với mảnh vườn, nổi tiếng nhứt là chôm chôm Bình Hòa Phước. Không chỉ làm duyên với người nhạc sĩ, trái chôm chôm, cô gái miệt vườn còn làm đắm say bao nhiêu chàng lữ khách. Anh Tám Gạch kể, vừa làm chuyến rước dâu bằng xuồng máy cho một đám cưới ở cù lao này. Chú rể ở tận Sài Gòn. Trong lần đi du lịch miệt vườn đã phải lòng cô gái Vĩnh Long. “Lạ là chàng trai cứ đòi phải rước dâu bằng ghe tam bản, máy đuôi tôm mới chịu. Tui trang hoàng ghe với cà rèm, đủng đỉnh trên mui, chở nhà trai từ Cái Bè, tỉnh Tiền Giang qua tới Hòa Ninh rước dâu. Rồi “thuyền hoa” trở lại Cái Bè, để hai họ lên xe về Sài Gòn đãi tiệc”, anh Gạch nói.
Ông Năm Lùn, 94 tuổi, ở xã Bình Hòa Phước quả quyết rằng, cái xứ chôm chôm này, qua hàng thế kỷ, đã chứng kiến bao nhiêu cuộc tình. Lý giải cho việc tại sao các chàng trai nơi đô thành lại si tình với thiếu nữ cù lao, ông Năm Lùn cắt nghĩa: “Người miệt vườn có cuộc sống tuy không quá giàu, nhưng không quá cực khổ, dãi nắng dầm sương như người mần ruộng. Tánh hiếu khách trăm năm nay không đổi. Con gái miệt vườn cũng không phải lao động quá cực khổ nên giữ được vóc dáng, xinh đẹp, da dẻ trắng trẻo, giỏi về nữ công gia chánh, lại có tiếng thủy chung, son sắt”.
2 Chiếc ghe tam bản lướt qua mấy vạt cù lao trồi lên giữa dòng sông Hậu xanh mát. Em bảo, đưa tôi tới vương quốc quýt hồng, đẹp như cảnh thần tiên trong cổ tích. Những vườn quýt sắp đến mùa thu hoạch chín vàng rực một góc trời. Khi những tia nắng cuối cùng dần khuất, sông Hậu trở nên huyền ảo lạ kỳ bởi dãy lụa vàng óng ả của quýt hồng, lả lơi, uốn lượn hòa vào hoàng hôn một dòng trôi lãng đãng. Ghé lại khu vườn cặp bờ sông của ông Út Ca, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, thật đúng là như lạc vào cổ tích. Vườn rộng hơn bốn héc-ta, trồng độc nhất giống quýt hồng. Hỏi loại cây đặc sản quý hiếm có tự khi nào, lão Ca lắc đầu, cười khẩy nói, biết chết liền. Người miệt này sinh ra sớm muộn cũng chạm mặt với một mầu vàng rực của quýt hồng mùa trái chín. Trong câu chuyện của lão luôn có chữ “duyên”. Như tôi gặp lão cũng là do “duyên”. Như cây quýt hồng cũng phải có “duyên” mới bén rễ, sinh sôi ở vùng đất này.
Ảnh: KIM NGÂN
Lão Ca cắt nghĩa rành mạch: “Hổng phải duyên thì là cái gì. Đâu phải toàn xứ Lai Vung, ở đâu cũng trồng được quýt hồng. Chỉ có ba xã nằm ven bên dòng sông Hậu là Tân Thành, Tân Phước, Long Hậu, cây với đất bén duyên thôi, chỉ độ ngàn héc-ta, hết thảy”. Dẫn tôi len lỏi sâu vào vườn quýt, lão Ca trải lòng về “cái duyên” của loài cây có múi được mệnh danh “Hoa hậu cây trái đồng bằng”. Cây quýt hồng mỗi năm chỉ cho trái một lần, vào mùa giáp Tết Nguyên đán. Nhưng công chăm sóc rất nhiều và thời gian dài, gần suốt cả năm. Ăn xong cái Tết, vừa dứt tháng giêng là phải cắt nước đúng một tháng tròn. Cuối xuân, đầu hạ, tức độ tháng ba, sông Hậu lại huyền ảo một mầu trắng tinh khôi và mùi thơm ngào ngạt quýt trổ hoa. Dòng nước mát ngọt phù sa của sông Hậu hiền hòa âm thầm dưỡng nuôi suốt cả chục tháng để hoa kia kết trái. “Từ ngày ra hoa tới khi kết trái và thu hoạch, phải mất mười tháng. Người Lai Vung ví quýt hồng như một cô gái đẹp, phải được nâng niu, chăm sóc bằng tình yêu chân thật thì mới có thể kết thành quả ngọt. Ở miền châu thổ Cửu Long, không có loài cây nào sai trĩu quả như quýt hồng miệt Lai Vung”, lão Ca chia sẻ.
Có một thời, cây quýt hồng bị “coi thường”, chỉ quanh quẩn bờ tre, không ra khỏi cổng làng khiến không ít nhà vườn có ý định quay lưng. Nhưng rồi cái tình đất, tình người miệt vườn Lai Vung được cây quýt trả ơn xứng đáng bằng danh hiệu đặc sản, có chứng nhận xuất xứ hàng hóa hẳn hoi, tự hào lên những con tàu xuất cảng qua tận châu Âu, châu Mỹ. “Có được một héc-ta quýt hồng thì mỗi năm bỏ túi tiền tỷ, chắc mẻm”, lão Ca quả quyết. Niềm vui của xứ sở “hoa hậu cây trái đồng bằng” không chỉ là thu về những đồng ngoại tệ, mà còn là cội nguồn cảm hứng của những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh, hội họa. Trái quýt hồng tròn căng, chín mọng trên cành, đẹp như cô gái Lai Vung đến tuổi cập kê, tràn trề sức sống, làm say đắm bao trái tim đa tình lãng tử. Những khu vườn quýt hồng bên bờ sông Hậu lại thêm phần nhộn nhịp với khách phương xa tấp nập tìm về, mỗi độ xuân sang. Và cây quýt hồng đã là chứng nhân cho bao nhiêu mối tình của mùa xuân, ở mảnh đất Lai Vung thơ mộng bên dòng sông Hậu xanh mát.
3 Đêm, xuôi ghe từ sông Hậu về lại Tiền Giang. Ánh trăng vằng vặc như dát một mầu vàng xuống sông thơ mộng. Tiếng nhạc du dương phát ra từ nhà ai đó trên bến sông này. Lại là một bài hát của nhạc sĩ Giao Tiên, khẳng định sự trở lại sau hai mươi năm treo đàn, ngưng sáng tác và tình yêu tha thiết với miệt vườn, một thuở: “Hai mươi năm qua tình mùa chôm chôm vẫn đẹp/ Cô gái Vĩnh Long vẫn đẹp, như màu xanh nước Cửu Long/ Đẹp như em ca câu vọng cổ/ Thắm nồng duyên thủy chung, ngọt ngào như trái chôm chôm…”.
Cái tình đất, tình người miệt vườn Lai Vung được cây quýt trả ơn xứng đáng bằng danh hiệu đặc sản, tự hào lên những con tàu xuất cảng qua tận châu Âu, châu Mỹ. |