Từ điện gió đến... điện mặt trời

Tại Hội nghị toàn cầu về chống biến đổi khí hậu COP21 diễn ra tại Pa-ri (CH Pháp) với 190 quốc gia tham dự, các đoàn quốc tế đã đến chúc mừng đoàn Việt Nam khi trên màn hình trung tâm hội nghị có chiếu một đoạn video clip về dự án Điện gió Bạc Liêu. Người nước ngoài không nghĩ Việt Nam lại có thể xây dựng được một trung tâm điện gió và hình thành nền công nghiệp năng lượng xanh - sạch sớm như vậy.


 Từ điện gió đến... điện mặt trời

Giấc mơ thành hiện thực

Cựu chiến binh Tô Hoài Dân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, đơn vị trực tiếp đầu tư, vận hành quản lý dự án Điện gió Bạc Liêu hồ hởi nói: “Tiếp thu những kinh nghiệm của dự án giai đoạn 1, khi triển khai giai đoạn 2, chúng tôi đã tổ chức thi công nhanh gọn hơn, nên tiến độ cũng đã nhanh hơn trước. Mới gần một năm thi công đã có thêm 50 trụ điện gió, chỉ một tuần nữa là hoàn thành toàn bộ dự án với 62 trụ điện gió, tượng trưng cho 62 tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Chợt nhớ lại, trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2010-2015, Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận định: “Dự án Điện gió Bạc Liêu với tổng số 62 Tua-bin, tổng công suất 99,2 MW/giờ dự kiến hòa lưới điện quốc gia khoảng 80 triệu kW/giờ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh”.

Đồng chí Dương Thành Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Bạc Liêu là tỉnh thuần nông, bao nhiêu năm trăn trở để thoát nghèo nhưng thấy lúng túng hoài và khó quá. Dự án điện gió thành công đã thật sự cuốn hút các nhà đầu tư đến với Bạc Liêu đã giúp tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp cho tỉnh”.

Cách đây ba năm khi khởi công dự án điện gió giai đoạn 1, vùng đất bãi xã Vĩnh Trạch Đông - TP Bạc Liêu quá nghèo nàn. Giờ đây, Tổng Giám đốc Tô Hoài Dân cho biết: “Sau khi hoàn thành dự án giai đoạn 2, công ty sẽ di dời toàn bộ các hộ dân vào bên trong để tập hợp thành khu dân cư đô thị, công ty sẽ đầu tư kinh phí để chuyển một bộ phận dân cư sang làm dịch vụ, thương mại (phục vụ du lịch) cho dự án”.

Người dân Bạc Liêu đã được tiếp nhận vào làm việc tại Công ty Công Lý, có thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với ba năm trước đây. 40 con em Bạc Liêu được đưa đi đào tạo về ngành công nghiệp điện gió ở các nước phát triển như: Mỹ, Ca-na-đa, Xin-ga-po. Giám đốc điều hành dự án Tô Công Lý khoe: “Toàn bộ dự án do người Việt Nam, phần lớn trong số đó là người dân Bạc Liêu”.

… Đến dự án Điện mặt trời…

Sau thành công dự án Điện gió Bạc Liêu, Công ty Công Lý đang bắt đầu xây dựng trung tâm điện gió Cà Mau với 150 trụ điện có công suất gấp hai lần dự án Điện gió Bạc Liêu.

“Bây giờ thì tiềm năng của gió đã được đánh thức, sau cả ngàn năm ngủ kỹ, tôi chợt nghĩ sao ta không đánh thức nốt tiềm năng của mặt trời”- anh Tô Hoài Dân hào hứng kể, và dự tính: “Miền nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng là vùng đất đầy nắng và gió. Công ty đã nghiên cứu trình các bộ, ngành T.Ư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án điện sử dụng năng lượng mặt trời. Sẽ vô cùng hiệu quả nếu như kết hợp “2 trong 1”, nghĩa là vừa làm điện gió, vừa làm điện mặt trời. Dựa trên hạ tầng kỹ thuật mà dự án điện gió đã đầu tư lúc đầu”.

Quả vậy, theo dự án đã thiết kế và phê duyệt, dọc trục đường tải cáp các trụ điện gió vào bờ dài khoảng 38km sẽ dựng lên các mái che bằng xương sắt, trên đó lắp dựng các tấm pin năng lượng mặt trời. Tính toán của các chuyên gia Mỹ chỉ rõ, nếu hoàn thành dự án Điện mặt trời, Bạc Liêu sẽ đóng góp thêm 200 MW cho lưới điện quốc gia.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu là người ủng hộ nhiệt thành các dự án mà nhà đầu tư đang triển khai. Với dự án của Công ty Công Lý, Bí thư Lê Minh Khái khẳng định: “Đây là một dự án hữu ích, vì năng lượng gió, năng lượng mặt trời là năng lượng bền vững, vừa có ý nghĩa kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường cho đời sau”.

Trong tương lai không xa, khi cả hai dự án điện gió và điện mặt trời đi vào hoạt động, Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên của cả nước có trung tâm năng lượng xanh - sạch - đẹp.