Đất nước 30 năm đổi mới

Tết Bính Thân đến gần!

Xuân này, đổi mới đã 30 xuân.

Đất nước đang đi lên với bước chân người dũng sĩ.

Cầu Nhật Tân, Hà Nội.Ảnh: Trường Thi
Cầu Nhật Tân, Hà Nội.Ảnh: Trường Thi



Ba mươi năm có là bao so với lịch sử một dân tộc, một thời đại. Nhưng 30 năm không ngắn chút nào so với một đời người, một cuộc chiến đấu trong một thời kỳ cụ thể.

Đổi mới, ba mươi năm qua, đã có bao bước tiến đáng mừng.

Mười năm đầu (1986-1996), đánh thắng cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, từng kéo dài suốt 15 năm.

Hơn mười năm tiếp theo, đến năm 2009, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Và nay, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hai mươi năm, rồi ba mươi năm nhìn lại, Đảng ta vẫn khẳng định: Đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

To lớn ở chỗ nào? Hãy bỏ qua những thành tựu cụ thể trên các mặt mà nhìn thẳng vào nét tổng quát nhất: Bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nâng cao.

Có ý nghĩa lịch sử là thế nào? Đổi mới là một cuộc cách mạng, một quá trình tìm tòi, khám phá và từng bước làm sáng tỏ con đường đi lên. Đổi mới đòi hỏi phải tham khảo, học tập kinh nghiệm của nhiều nước đi trước. Nhưng đổi mới không sao chép, không đi theo vết xe đổ của cải tổ, cải cách ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Đổi mới là sáng tạo của Việt Nam, vì sự phát triển của đất nước Việt Nam. Những thành tựu đạt được khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Giá có ai đó, trải qua một giấc ngủ dài, nay tỉnh dậy, ắt sẽ ngỡ ngàng về những điều trông thấy. Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta, ba chủ thể của sự nghiệp đổi mới, có quyền tự hào chính đáng về những gì đã làm được.

Nhưng đường đổi mới còn dài. Thời cơ và thách thức vẫn đan xen. Bên cạnh cái mừng, còn có nỗi lo.

Lo vì nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Ta muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng để rút ngắn khoảng cách phát triển… Nhưng ta tiến thì nước khác cũng tiến. Nhịp độ tăng trưởng của nước ta trong năm, bảy năm trở lại đây chậm lại. Đến nay, so với các nước trong khu vực Đông - Nam Á, ta vẫn còn đi sau khá xa Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan… So với các nước trên thế giới, bình quân GDP/người/năm của ta hiện nay khoảng 2.000 USD thì trung bình đó của thế giới là khoảng 10.000 USD, chưa nói đến những nước phát triển cao là 40.000 - 50.000 USD.

Lo vì diễn biến phức tạp của nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, với nhiều thủ đoạn mới, chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Dù công tác xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa thật sự được ngăn chặn, đẩy lùi; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút.

Thực tiễn ba mươi năm đổi mới đã đem lại cho chúng ta rất nhiều bài học, của thành công, chưa thành công, có lúc tạm thời thất bại.

Đổi mới thật sự là một mặt trận, một cuộc chiến quyết liệt, không ngừng nghỉ. Đổi mới đòi hỏi toàn dân phải có niềm tin và nghị lực, có tinh thần cao, ý chí lớn. Đổi mới đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải vững vàng trong lãnh đạo và quản lý, luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhạy bén nắm bắt cái mới, dự báo sát tình hình và những diễn biến mới, để kịp thời đưa ra các quyết sách chiến lược; xác định, điều chỉnh một số chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã đề ra một định hướng chiến lược, những nhiệm vụ và giải pháp đúng đắn cho phát triển đất nước trong 5 năm tới: Tập trung mọi cố gắng để tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đó thật sự là một bản thông điệp đầy trách nhiệm gửi đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Từng trải qua những thử thách của ba mươi năm đổi mới, nhân dân ta đón nhận bản thông điệp ấy với niềm phấn khởi và sự tự tin. Tin ở Đảng vững tay chèo. Tin ở Nhà nước mạnh bạo trong quản lý. Tin ở sức mạnh của chính mình. Những thành tựu to lớn trong đổi mới không phải tự trên trời rơi xuống, từ bên ngoài đưa vào mà do chính bàn tay và khối óc của toàn dân tộc làm nên.

Những khó khăn, thách thức trước mắt là không nhỏ. Nhưng chúng ta không quản ngại. Bác Hồ từng dạy: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.

Đổi mới là chinh phục. Chinh phục hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Đèo cao, suối sâu không ngăn được bước tiến người đi đường. Nhớ lại bài thơ của Bác Hồ năm xưa:

Đi đường mới biết gian lao,

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng


Để rồi:

Núi cao lên đến tận cùng,

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non


Cái đích của Đổi mới còn xa. Nhưng mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì nhất thiết phải sớm trở thành hiện thực.