Từ một tín hiệu vui...
Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ mục tiêu của Việt Nam trong 5 năm tới là đổi mới mô hình tăng trưởng, tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Mục tiêu thống nhất nhưng triển khai như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời.
Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, với việc học tập mô hình kinh tế của Liên Xô (cũ), chúng ta đã đề ra định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Chính vì vậy, việc dồn lực còn hạn chế vào những công trình đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao đã làm tiêu tốn một khoản đầu tư rất lớn. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho đời sống của đại bộ phận nhân dân chậm được cải thiện.
Trong bối cảnh nước ta hiện nay, ngay từ những năm của thập kỷ 90 thế kỷ 20, chúng ta đã điều chỉnh kế hoạch phát triển để đặt mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa nâng cao đời sống cho người lao động bằng chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Nhờ đó, chúng ta vừa nâng cao được đời sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Xét thời điểm hiện nay, kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, độ mở của nền kinh tế thuộc loại cao trong khu vực, việc chọn ngành lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển là một yêu cầu cấp thiết. Trở lại với tin tức ngắn trên truyền hình ở trên, có thể thấy, đó là cả tín hiệu vui đối với công nghiệp hàng không của Việt Nam, một ngành vốn đòi hỏi trình độ khoa học ở mức rất cao.
... đến phương châm lấy hiệu quả làm mục tiêu hàng đầu
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực, không thể đặt mục tiêu trong vòng 10 năm tới Việt Nam sản xuất được máy bay có tính thương mại. Nhưng chúng ta có thể phát triển ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam dựa vào khả năng liên kết trong chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp hàng không.
Việc một doanh nghiệp cổ phần của Việt Nam chủ động đầu tư công nghệ và thiết bị để đạt được giấy chứng nhận đủ khả năng bảo dưỡng các loại máy bay dân dụng hiện đại là một bước đi đúng đắn. Nó mở ra một khả năng mới để phát triển một vài sân bay quốc tế của Việt Nam trở thành trung tâm hậu cần hàng không trong khu vực. Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các lợi thế của mình về công nghệ, nguồn nhân lực từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một doanh nghiệp vừa và một doanh nghiệp lớn ở trong nước và trong khu vực? Tất nhiên, việc hỗ trợ đó phải nằm trong khuôn khổ các cam kết mà Việt Nam đã ký với các quốc gia tại các Hiệp định thương mại tự do.
Chỉ một thông tin tưởng chừng không quan trọng phản ánh một hoạt động của một doanh nghiệp cổ phần, nhưng giúp chúng ta nhìn nhận lại cách thức triển khai Nghị quyết của Đảng trong nhiều năm trở lại đây. Nghị quyết của Đảng là một văn kiện có tính chất tổng thể, thể hiện mối quan hệ đồng bộ, tương tác lẫn nhau trong toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng là Quốc hội và Chính phủ phải có phương thức năng động, sáng tạo và phải lấy yếu tố hiệu quả làm mục tiêu hàng đầu.
Hiệu quả của Dự án đầu tư công cần phải được đánh giá xét vào bộ chỉ số. Ngoài hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách hay ứng dụng công nghệ mới thân thiện môi trường thì yếu tố tác động lan tỏa, hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển phải được coi là quan trọng nhất. Đó chính là biện pháp triển khai nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam.
Việc lựa chọn một khâu trong chuỗi giá trị gia tăng của một quá trình sản xuất là bước đi phù hợp trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta, chúng ta không đủ khả năng xây dựng một thương hiệu mới cho một sản phẩm mới hoàn toàn có nguồn gốc từ Việt Nam, bởi nếu làm như vậy sẽ giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cả về giá và công nghệ thân thiện môi trường, nếu so sánh với việc chỉ tham gia vào một khâu trong chuỗi giá trị của sản phẩm đó. Bài học từ các nước công nghiệp mới (NICs) là một minh chứng cho những nhận định trên.
Thông tin hết sức vui mừng về việc công ty cổ phần của Việt Nam có thể tham gia vào ngành công nghiệp hàng không của thế giới là một hướng đi đúng, cần được tạo điều kiện, để cho nhiều công ty cổ phần khác có khả năng chủ động tham gia vào chuỗi giá trị của các mặt hàng mang tính toàn cầu. Hy vọng, đây sẽ là cánh én báo hiệu một mùa xuân mới ấm áp đang đến với nền kinh tế Việt Nam.
Một tin tốt lành có thể báo hiệu mùa xuân đầy hứa hẹn, nhưng để mùa xuân ấy đến cùng cánh én tốt lành, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức hoạt động của mình, để biến cánh én đơn lẻ hôm nay thành đàn én ngày mai, báo hiệu mùa xuân trường tồn của đất nước. |