Điểm yếu hay lợi thế?

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có thể trở thành điểm nhấn để Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước. Nhưng, cũng chính ngành này lại bị cho điểm trừ khi đánh giá độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong đón bắt cơ hội hội nhập.


Nếu không có chính sách đột phá, cơ hội tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô-tô, mong manh hơn bao giờ hết.Ảnh: Trần Thanh
Nếu không có chính sách đột phá, cơ hội tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô-tô, mong manh hơn bao giờ hết.Ảnh: Trần Thanh

Mặc dù được xem có tiềm năng tiêu thụ ô-tô lớn, với dân số trên 90 triệu dân nhưng ngành công nghiệp ô-tô của Việt Nam và nhất là công nghiệp phụ trợ, vẫn hoàn toàn lép vế. Hiện ở Việt Nam có 13 nhà sản xuất lắp ráp ô-tô và khoảng 160 công ty cung cấp phụ tùng. Con số tương đương ở Thái-lan là 16 doanh nghiệp lắp ráp và 2.400 công ty phụ tùng ở nhiều ngành nghề và công đoạn chế tạo khác nhau.

Sự tương phản kia cho thấy, dường như doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng để lọt vào danh sách các công ty vệ tinh cung ứng phụ tùng cho các thương hiệu ô-tô lớn vào Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công thương phát hiện, nhập khẩu thân vỏ xe ô-tô chiếm kim ngạch lớn nhất trong số các linh phụ kiện ô-tô được nhập khẩu vào Việt Nam. Trong khi đây lại là phụ tùng khá cồng kềnh, tốn nhiều chi phí vận chuyển và không quá khó để sản xuất trong nước. Điều đó nói lên thực tế, dường như các doanh nghiệp không mặn mà trong việc tăng hàm lượng sản xuất tại Việt Nam. Hệ lụy của nó là chi phí sản xuất ô-tô ở Việt Nam tăng hơn 20-30% so với các nước trong khu vực. Để minh chứng về sự gập ghềnh trong hành trình phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, ô-tô chỉ là một thí dụ điển hình nhưng không đơn lẻ. Ngay ở lĩnh vực được xem là bùng nổ như sản xuất điện thoại di động, tính tới giữa năm 2015 cũng mới chỉ có bốn doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung và 28 doanh nghiệp khác là nhà cung ứng cấp 2. Mặc dù trong năm nay có thêm chín doanh nghiệp Việt Nam nữa tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, nhưng con số này còn quá xa so với hơn 100 doanh nghiệp từ Hàn Quốc tới Việt Nam, chỉ để sản xuất linh phụ kiện cho Samsung.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, hàng loạt khóa học về phát triển công nghiệp hỗ trợ cho phía Việt Nam đã được triển khai tại Hàn Quốc. Không khó để nhận thấy Việt Nam có nhiều nét tương đồng của thời điểm phát triển công nghiệp nhẹ hướng vào xuất khẩu tại Hàn Quốc cách đây 50-60 năm. Vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong phát triển công nghiệp và kinh tế Hàn Quốc được nhận diện khi xảy ra khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997, khiến thâm hụt thương mại giữa Hàn Quốc với Nhật Bản lên tới cả trăm tỷ USD. Lý do là, Hàn Quốc phải nhập rất nhiều linh kiện từ Nhật Bản. Sự thức tỉnh này đã khiến Hàn Quốc chuyển từ chính sách bảo hộ sang phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước và xây dựng hẳn luật riêng về công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu tạo ra những sản phẩm thân thiện, có tính thương mại cao.

Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam. Chúng ta có lợi thế của người đi sau, vấn đề là đâu sẽ là điểm đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển? Từ thực tế của những nước đi trước, có thể thấy, muốn phát triển công nghiệp phụ trợ, không có cách nào khác chính là Chính phủ phải đóng vai trò kiến thiết, hoạch định thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. Và các doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội thử sức và khẳng định mình trong một lĩnh vực đầy tiềm năng. Chỉ như vậy, từ một điểm yếu, công nghiệp hỗ trợ mới trở thành lợi thế, tạo nên một “mắt xích Việt Nam” không thể thiếu được trong chuỗi giá trị toàn cầu!