Vốn quý nguồn nhân lực giỏi

Khu kinh tế Dung Quất khẳng định vị thế là vùng kinh tế trọng điểm miền trung, thu hút nhiều dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 10,5 tỷ USD, góp phần tạo nên diện mạo mới ở quê hương núi Ấn - sông Trà. Và chất lượng của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng khẳng định hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực.


Đội ngũ công nhân, kỹ sư trẻ người Việt đã vươn lên làm chủ hệ thống quản lý, vận hành an toàn nhà máy.
Đội ngũ công nhân, kỹ sư trẻ người Việt đã vươn lên làm chủ hệ thống quản lý, vận hành an toàn nhà máy.

Đào tạo nghề theo đúng nhu cầu

Đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất một sáng tháng Chạp, trong tiết trời mưa nặng hạt, thỉnh thoảng những cơn gió mạnh từ vịnh Việt Thanh thổi vào, se lạnh. Các bộ phận của nhà máy đang vào ca. Trong câu chuyện giữa chúng tôi với các công nhân, kỹ sư - những người được đào tạo trực tiếp tại nhà máy, thấy rõ sự miệt mài và say mê. Công tác đào tạo ở đây được đầu tư toàn diện từ kiểm tra lý thuyết đến thực hiện mô hình trên công trường. Các kỹ sư Việt Nam được bố trí làm việc, nghiên cứu kỹ thuật cùng chuyên gia nước ngoài. Nhiều kỹ sư khi mới về nhà máy chỉ là chuyên viên, công nhân bậc cao thì nay đã quản lý các bộ phận quan trọng như Trưởng phòng Bảo dưỡng nhà máy Mai Tuấn Đạt; Phó Trưởng phòng An toàn sức khỏe môi trường Khương Lê Thành. Kỹ sư Trần Ngọc Nguyên, khi nhà máy bắt đầu vận hành sản xuất năm 2009, là chuyên viên, đến năm 2012 đã được Tập đoàn bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc.

Cách đây sáu năm, nhà máy có gần 200 chuyên gia nước ngoài trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, đến nay chỉ còn 30 người. Thợ trẻ, kỹ sư trẻ chiếm hơn 75% số cán bộ, nhân viên trong nhà máy, đang làm chủ hệ thống, từ quản lý chất lượng với quy trình đạt chuẩn đến việc kiểm soát môi trường, chất lượng sản phẩm xăng, dầu, quy trình vận hành an toàn. Theo Chủ tịch HĐTV Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang, nguồn vốn quý của Công ty BSR chính là đội ngũ kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản, chính quy với tiêu chuẩn quốc tế, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy.

Quá trình đào tạo nhân lực vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thực hiện theo sơ đồ hình chóp. Tất cả các nhân viên vận hành đều phải tham dự chương trình đào tạo cơ bản và sau đó căn cứ vào vị trí vận hành, bảo dưỡng cụ thể theo quy hoạch, các nhân viên này sẽ tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu và chuyển giao công nghệ. Ðây được xem là một mô hình đào tạo bài bản, cấu trúc khoa học, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Lo cho mình, lo cho bạn

Công ty BSR đang xúc tiến triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ công suất 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1,82 tỷ USD. Để có nguồn nhân lực tốt nhất đáp ứng yêu cầu phát triển của khu kinh tế và nhà máy lọc dầu, địa phương và nhà đầu tư đang thực hiện chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khẩn trương, có hiệu quả. Ngành lọc hóa dầu đang là đề tài “nóng” của khu vực duyên hải miền trung. Từ Thanh Hóa tới Phú Yên hiện có bốn dự án đầu tư đã được Chính phủ đồng ý cấp phép. Tính sơ bộ, trong sáu năm tới, nhu cầu lao động của các nhà máy khoảng hơn 100.000 lao động trực tiếp và gần 150.000 lao động gián tiếp. Thế là Công ty BSR vừa lo cho mình vừa lo cho bạn.

Gần đây nhất, Công ty BSR phải đào tạo khoảng 700 kỹ sư chuyên sâu cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Công ty vừa phối hợp với Trường cao đẳng nghề Dầu khí tổ chức đào tạo tại chỗ 200 lao động, là lực lượng nòng cốt đảm nhận vận hành Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sắp đến. Tất cả các học viên đều phải thực hiện làm việc theo ca ngày 12 giờ như nhân viên của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Kỹ sư Mạch Thị Huyền (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết: Em được thực hành trên hệ thống công nghệ lọc hóa dầu hiện đại, áp dụng được những lý thuyết đã học, học hỏi kinh nghiệm thực tế của kỹ sư. Chúng em tự tin sẽ làm việc tốt. Kỹ sư Nguyễn Lập Nam, sau gần ba tháng đào tạo thực tế tại Trung tâm điều khiển nhà máy, đã nắm rõ quy trình vận hành phân xưởng cracking xúc tác. Tốt nghiệp ngành hóa dầu Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa cọ xát thực tế, nhưng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, kỹ sư của nhà máy, Nam nắm vững kinh nghiệm trong quy trình vận hành và xử lý sự cố kỹ thuật hiện đại này.

Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất đang trong dịp tuyển sinh. Tại Khoa Công nghệ hóa dầu, thầy giáo Trần Đức Trung đang hướng dẫn thực hành công nghệ hóa dầu. Thao tác từng động tác kỹ thuật thận trọng, chính xác, bảo đảm truyền đạt những kiến thức mới cho học viên là phương châm của thầy giáo Trung, vì đây là một ngành học khó. Theo nhà trường, khoa này đã đào tạo 500 học viên, cung ứng cho Công ty BSR. Nhà trường liên kết đào tạo hàng nghìn lao động chất lượng cao cho nhiều doanh nghiệp trong khu kinh tế và hàng trăm công nhân chuyên sâu ngành hóa dầu cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dự án lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định).