Quỹ đạo phát triển mới

Những ngày cuối năm 2015, VinGroup phát đi thông tin về thương hiệu gạo sạch VinEco. Cùng đó là kế hoạch cung cấp cho thị trường sản phẩm gạo hữu cơ.

Nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đang chạy đua đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, sạch.Ảnh: THU HÀ
Nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đang chạy đua đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, sạch.Ảnh: THU HÀ



Với động thái này, sau gần một năm tuyên bố gia nhập ngành nông nghiệp, đại gia bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay chính thức bắt tay với một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo uy tín, có sản lượng gạo thơm lớn xuất khẩu là Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), thực hiện tham vọng xây dựng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Trước VinGroup, nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam trong các ngành khác nhau như Hoàng Anh Gia Lai, Hưng Phát, Thủ Đức House, An Dương Thảo Điền, TH, FPT, Hòa Phát… cũng đã công bố những kế hoạch đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp, từ chăn nuôi đến trồng trọt.

Dường như câu nói “với nông nghiệp, Việt Nam có thể vượt trước thời đại” mà ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT lý giải cho sự dấn thân hoàn toàn mới của FPT so với ngành cốt lõi, làm nên tên tuổi của Tập đoàn là công nghệ thông tin, cũng có thể là điều kiện tiên quyết để các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp chưa bao giờ lại hấp dẫn các đại gia đến vậy.

Nhưng, ở một góc nhìn sâu xa hơn, sự chuyển dịch này còn chứa đựng ý nghĩa rất lớn trong bước phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Hơn ai hết, các doanh nhân nắm giữ những thương hiệu Việt hàng đầu đang nhìn thấy cơ hội Việt Nam có thể trở thành một cường quốc thế giới về nông nghiệp, với lợi thế về địa lý, khí hậu và sự đa dạng của các sản phẩm nông nghiệp. Nhưng chính họ cũng đang nhìn thấy thách thức của sự tụt hậu xa hơn của chính ngành này khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có hiệu lực với những yêu cầu vô cùng khắt khe về hàng rào kỹ thuật.

Nếu vẫn duy trì phương thức sản xuất trong nông nghiệp dựa vào các hộ nông dân, khó kiểm soát quy trình và chất lượng sản phẩm, thì niềm vui cách đây gần 15 năm, khi các sản phẩm cá, tôm của Việt Nam được săn đón tại thị trường châu Âu, Mỹ sẽ bị thay thế bởi nỗi cám cảnh về mất thương hiệu, mất uy tín tại các thị trường đẳng cấp cao.

Hệ lụy của nó, như phân tích của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sẽ có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển về các thị trường dễ tính hơn như châu Phi, Trung Quốc. Tất nhiên, đi kèm theo đó là giá trị thấp và sự ổn định không cao.

“Sự tham gia của các thương hiệu Việt lớn, đã thành công trong các lĩnh vực khác, vào nông nghiệp mới bắt đầu, nhưng đang tạo ra xu thế tích cực, đó là đưa phương thức sản xuất lớn, đưa công nghệ và quy trình sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Hiện tại, chúng ta không thể kiểm soát được từng luống rau, từng con lợn, nhưng khi doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lớn, nếu họ vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, họ sẽ bị phá sản. Đây chính là áp lực buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại, muốn xuất khẩu hàng hóa thì phải kết chuỗi, tổ chức lại sản xuất”, ông Lộc phân tích.

Chính điều này sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong nông nghiệp, chuyển từ thách thức thành cơ hội cho cả nền kinh tế trong hội nhập sâu rộng. Đó là ở góc nhìn vĩ mô.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, mọi sự được nhìn nhận đơn giản hơn, nhưng “tình người” hơn. Đó là cách nói của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô-tô Trường Hải về những bước phát triển tới đây của các thương hiệu Việt Nam.

Doanh nhân Việt Nam đang phải nghĩ khác, làm khác đi so với những năm trước chưa hội nhập toàn diện. Chúng tôi phải quên đi những lợi thế trước, để nhìn vào thực tế là nếu không hành động thật sự, doanh nghiệp Việt sẽ không còn cơ hội xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam.

“Đây là thời điểm doanh nghiệp không thể chọn cách làm đơn thuần vì lợi nhuận, mà phải chấp nhận sống và làm việc trong môi trường hội nhập, phải tạo ra được những giá trị thực. Cách làm mới này sẽ khó, nhưng đây là cách duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu Việt phát triển bền vững trong cạnh tranh”, ông Dương nói.

Sự chuyển dịch sang quỹ đạo mới chứa đựng ý nghĩa rất lớn trong bước phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đó chính là tính nhân văn cùng trách nhiệm xã hội , thay vì những toan tính lỗ lãi thông thường.