Không chỉ có hoa hồng
Tại Tổng Công ty Đức Giang (Dugarco) những ngày cuối năm, hàng trăm cán bộ, công nhân viên của công ty đang hăng say lao động. Với tay giới thiệu sản phẩm vừa ra “lò”, Phó Tổng Giám đốc thường trực Dugarco Phạm Thanh Tùng bật mí, đến thời điểm này công ty đã ký các hợp đồng xuất khẩu đến hết quý I-2016 và đang xúc tiến các đơn hàng cho quý II-2016. Không khí khẩn trương lao động cũng đang lan tỏa ở nhiều doanh nghiệp dệt may khác như Tổng Công ty May 10, May Hồ Gươm,...
Tuy nhiên, không chỉ có hoa hồng chào đón các doanh nghiệp dệt may khi các hiệp định thương mại chính thức triển khai. Thời cơ lớn nhưng cũng sẽ trôi qua, nếu các doanh nghiệp không giải quyết được những nút thắt cũ như nguyên phụ liệu nhập khẩu vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 80%) và các khâu trong chuỗi cung ứng dệt may chưa phát triển cân xứng. Hiện nay đã xuất hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào khâu dệt - nhuộm - hoàn tất, điều mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ sức vươn đến. Nhưng, chỉ trông vào dòng vốn này là chưa đủ.
Theo đánh giá của nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Đặng Phương Dung, nếu so sánh chuỗi cung ứng toàn cầu giống như đồ thị pa-ra-bon thì dệt may Việt Nam hiện đang nằm dưới đáy của chuỗi cung ứng, bởi các doanh nghiệp chủ yếu làm với giá trị gia tăng thấp; thiếu đầu tư, nghiên cứu sản phẩm; yếu trong khâu thiết kế và sản xuất nguyên phụ liệu. Điều này hoàn toàn trái ngược so với một số nước ở tầng trên.
Vươn đến “vùng đất hứa”
Với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 27,5 tỷ USD, ngành dệt may tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhưng liệu chúng ta có lạc quan sớm khi khẳng định, Việt Nam có thể trở thành “vùng đất hứa” của ngành công nghiệp dệt may thế giới? Câu trả lời là: Chúng ta có thể! Thực tế cho thấy, quy mô và trình độ nguồn nhân lực Việt Nam liên tục được cải thiện, chi phí lao động thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là lợi thế không thể phủ nhận đối với một ngành công nghiệp cần nhiều lao động.
Tuy nhiên, để gia tăng giá trị dệt may trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta phải nhanh chóng giải bài toán về nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và gia tăng năng lực thiết kế, làm thị trường. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ câu chuyện của chính Vinatex. Nhờ tiên phong tạo dựng đầy đủ các điều kiện cần thiết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, giờ đây Vinatex đủ năng lực chuyển từ gia công thuần túy (CMT) lên phương thức sản xuất ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm).
Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhận thức rõ tính cấp thiết của việc phải làm sao chuyển từ một địa chỉ gia công dệt may có tiếng, sang những hình thức phát triển cao hơn trong chuỗi giá trị. Đó là chuyển dần sang sản xuất FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), thậm chí mạnh dạn làm OBM (sản phẩm gắn thương hiệu của doanh nghiệp). Điểm đáng nói là xu thế liên kết giữa các doanh nghiệp để khép kín hợp đồng, từ sản xuất nguyên liệu cho đến thiết kế, thực hiện hợp đồng và xây dựng mạng lưới phân phối… Đây là sự hóa giải tích cực cho “gót chân Asin” của doanh nghiệp Việt Nam.
Tâm thế chủ động của các doanh nghiệp dệt may, sự hào hứng của dòng vốn FDI… cho chúng ta thêm niềm tin vào “vùng đất hứa” sẽ sớm thành hình. Những nhãn mác ghi “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) đã thuyết phục những thị trường khó tính về chất lượng sản phẩm. Sân chơi toàn cầu mở ra đại dương cho những con tàu doanh nghiệp Việt mạnh mẽ tiến ra khơi.
Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhận thức rõ tính cấp thiết của việc phải làm sao chuyển từ một địa chỉ gia công dệt may có tiếng, sang những hình thức phát triển cao hơn trong chuỗi giá trị.