Huyện Đan Phượng là địa phương dẫn đầu thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới, với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng đến nay trên địa bàn huyện vẫn còn rất nhiều xã chưa có mạng lưới nước sạch, gây bức xúc trong nhân dân.
Anh Nguyễn Văn Long, người dân sinh sống tại xã Hạ Mỗ cho biết, xã đạt nhiều thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay khoảng 2.500 hộ dân, tương đương 9.000 người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Để có nguồn nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, gia đình anh phải đầu tư xây dựng hệ thống máy bơm, bể lọc, với chi phí khoảng 15 triệu đồng và chi phí tiền điện hằng tháng, nhưng chất lượng nước vẫn không bảo đảm. Nước thường xuyên bị váng, có mùi tanh khó chịu. Tám xã nằm trong phạm vi cấp nước sạch từ dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng chưa biết đến khi nào được cấp nước do dự án bị chậm tiến độ. Còn tại huyện Phúc Thọ, hàng nghìn hộ dân đã đăng ký lắp đặt đồng hồ nước để sử dụng nước sạch cũng chưa được đáp ứng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, trên địa bàn huyện có sáu công trình cấp nước tập trung, cung cấp nước sạch cho hơn 20.000 hộ dân, tương đương khoảng 40% tổng số hộ dân. Còn lại, 60% người dân tại chín xã chưa có nguồn cấp nước sạch tập trung.
Tại các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cử tri thường xuyên đề cập việc cung cấp nước sạch. Ủy ban nhân dân huyện đã nhiều lần kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành yêu cầu các doanh nghiệp sớm đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước sạch cho các xã, nhưng đến nay tiến độ triển khai các dự án vẫn chậm trễ.
Đại diện Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023 thành phố có thêm 15 xã, gồm sáu xã của huyện Sóc Sơn, năm xã của huyện Ứng Hòa và bốn xã của huyện Mỹ Đức được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung.
Tuy nhiên, đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt khoảng 90%, còn hơn 120 xã chưa được đầu tư mạng lưới cấp nước sạch tập trung. Khi Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố chấm điểm các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí chất lượng môi trường sống ở nhiều xã không đạt điểm tối đa do chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, nhiều năm nay, thành phố rất quan tâm đến việc cấp nước sạch cho các xã khu vực nông thôn. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước sạch cho các xã, với thời gian cụ thể, nhưng tiến độ triển khai rất chậm, thậm chí nhiều đơn vị không thực hiện. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là do mức đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước sạch khu vực nông thôn cao hơn rất nhiều so với khu vực nội thành, nhưng người dân sử dụng nước hằng tháng ít, thường dưới 10 m3/hộ, dẫn đến việc thu hồi vốn kéo dài, không hiệu quả...
Từ khó khăn nêu trên, năm 2021, Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội điều chỉnh lại vùng cấp nước để kêu gọi xã hội hóa đầu tư và thành phố đã giao cho mười đơn vị triển khai cấp nước cho các xã theo hình thức xã hội hóa, thời gian hoàn thành vào năm 2025.
Mới đây, tại hội nghị giao ban quý IV/2023 Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ, trách nhiệm trong việc chậm trễ triển khai các dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn thuộc về các sở, ngành liên quan.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị kiểm tra, rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án cấp nước đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận, bảo đảm hoàn thành cấp nước sạch cho các xã còn lại trong năm 2024.