Số hóa di sản-bảo tồn và kết nối du lịch

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã đón khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, trong đó việc ứng dụng công nghệ, số hóa các di tích giữ vai trò không nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý ( thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh).
Phối cảnh Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý ( thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh).

Bắc Ninh là tỉnh sở hữu di sản văn hóa phong phú về loại hình và giàu có về giá trị, với 1.589 di tích, trong đó có bốn Di tích quốc gia đặc biệt; 17 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; bốn Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, cùng hơn 500 lễ hội. Xác định di tích, di sản là thế mạnh trong phát triển du lịch, tỉnh đã sớm xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn.

Đưa di sản đến gần hơn với du khách

Chọn cung đường men theo sông Ðuống, vượt cầu Kinh Dương Vương để thăm thú, vãn cảnh những ngôi chùa cổ kính xứ Kinh Bắc, chị Phan Thị Thu, đến từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Bút Tháp, Phật Tích, chùa Dâu, là những ngôi cổ tự tôi muốn đến từ lâu nhưng nay mới có dịp. Ðường sá đi lại thuận lợi, đặc biệt ngay tại lối ra vào mỗi di tích đều có bảng quét mã QR và chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại đã giúp tôi có thể tìm hiểu tổng thể, đầy đủ giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử của địa danh trong quá trình tham quan.

Nhờ quét mã QR, tôi được biết tại chùa Phật Tích ngoài tượng Phật A Di Ðà, còn có tượng 10 linh thú được công nhận Bảo vật quốc gia. Hàng tượng này đặt ngay trên đường vào, nếu không để ý rất dễ bỏ qua nên tôi thấy mình may mắn vì đã có thông tin ngay khi quét mã QR ngoài cổng”.

Ðược biết đến là một địa chỉ du lịch trong hành trình khám phá những miền di sản, thời gian qua, Bắc Ninh đã luôn nỗ lực đưa di sản văn hóa, nguồn tài nguyên có sức hấp dẫn mạnh mẽ, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ðón đầu làn sóng chuyển đổi số, Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc hoàn thiện số hóa tổng thể hệ thống di sản, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá di tích, đến giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã đầu tư gần 45 tỷ đồng để thực hiện đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật và các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn thiết kế mẫu, chọn lọc tài liệu lịch sử, cập nhật nhiều thông tin hữu ích, tổng hợp những bài thuyết minh hấp dẫn chuyển thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 60 điểm di tích nổi tiếng, di tích cách mạng được trang bị bảng quét mã QR. Mọi thông tin được mã hóa trong mã QR đều chuẩn xác, có sự kiểm tra, thẩm định của Ban Quản lý di tích tỉnh.

Giới thiệu cho chúng tôi xem những hình ảnh 3D của các di tích, danh thắng trên địa bàn, anh Nguyễn Phạm Bằng, Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Cơ sở dữ liệu di sản văn hóa được xây dựng một cách cẩn trọng, khoa học, qua nhiều bước với từng giai đoạn khác nhau. Các tư liệu sẽ được tập hợp để xây dựng ngân hàng dữ liệu dạng số tổng thể, tiến tới phục vụ du lịch số, bảo tàng số, thư viện số cũng như công tác bảo tồn di tích.

Bước đột phá trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Không chỉ mang tính xu hướng thời đại, theo các chuyên gia, công nghệ số hóa di sản là bước đột phá trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chi phí thấp, mang tính trực quan, độ tin cậy cao, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ… Mặt khác, từ các hiện vật đã được số hóa, công tác tu bổ di tích có thể dựa vào đó để khôi phục chính xác những phần bị hư hỏng.

Kết thúc giai đoạn 1, đã có 585 di tích trên địa bàn tỉnh được số hóa xong. Ðặc biệt, tại bốn di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt gồm: kiến trúc nghệ thuật chùa Bút Tháp, kiến trúc nghệ thuật chùa Dâu, Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý và Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Phật Tích đã được làm kỹ, chi tiết, số hóa tới từng hiện vật, cách bài trí…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Văn Ðáp

Sau một thời gian bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện toàn bộ dữ liệu di sản văn hóa sau kiểm kê, phân loại đang từng bước được tích hợp, đưa vào kho dữ liệu điện tử du lịch và hiển thị vị trí trên bản đồ số du lịch.

Tháng 9/2022, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Ðề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Ðề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030 vừa được thông qua, cũng nêu rõ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cần xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số, thư viện số.

Bắc Ninh đặt mục tiêu đón và phục vụ hơn năm triệu lượt du khách vào năm 2030, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh.