Sắc Việt hòa nhịp thế giới

Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, di sản dân tộc đang dần được các nghệ sĩ đón nhận và dựa vào nền cốt đó để sáng tạo ra những hình hài mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong nước...

Vở ballet Kiều do biên đạo múa Tuyết Minh xây dựng, gây tiếng vang trong năm 2020.
Vở ballet Kiều do biên đạo múa Tuyết Minh xây dựng, gây tiếng vang trong năm 2020.

1. Bên cạnh các thể loại múa dân tộc đang được bảo tồn và phát huy, từ tiến trình giao lưu mạnh mẽ với thế giới, các nghệ sĩ trẻ đã mang đến cho công chúng trong nước và nước ngoài những tác phẩm đương đại chứa đựng tinh hoa và đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. 

Tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống nghệ thuật năm 2020, vở ballet Kiều của biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh đã thổi hình hài mới trên nền tác phẩm kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du. Vở múa kết hợp kỹ thuật ballet cổ điển phương Tây, múa đương đại với phong cách múa dân gian, múa truyền thống…; âm nhạc giao hưởng, nhạc đương đại với nghệ thuật ca trù, hát xẩm cùng nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác. Gần đây, trong làng múa đương đại Việt, người ta hay nhắc tới Vũ Ngọc Khải, nghệ sĩ múa được đào tạo bài bản tại Hà Lan. Trở về Việt Nam, anh đến với công chúng qua những vở như “Sương sớm”, “Mộc”, “Tích tắc”… và điển hình là “Đáy giếng” (vở múa do chính anh biên đạo và biểu diễn). Ở “Đáy giếng”, người xem đã ngỡ ngàng đến choáng ngợp bởi âm điệu trống chiến Bình Định thường chỉ xuất hiện trong nghệ thuật truyền thống, bỗng dưng lại là chất liệu cho nghệ thuật múa đương đại, cùng với đó là hình tượng nón lá, chiếu hoa… hay các chuyển động mô phỏng trò chơi chọi gà, chọi trâu dân gian… 

Sắc Việt hòa nhịp thế giới -0
Tác phẩm trong dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”. 

2. Chất liệu dân gian cũng là nguồn cảm hứng cho những sáng tác âm nhạc đương đại. Công chúng từng nghe chầu văn, tuồng, chèo... trên sân khấu đương đại qua “Gió”, “Lửa” của  nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Đó là cuộc đối thoại giữa piano với nhạc cụ truyền thống hòa cùng những câu hát sâu lắng từ hồn dân tộc. Hay dàn nhạc giao hưởng dân tộc Seaphony quy tụ hơn 50 nghệ nhân, nhạc công từ nhiều vùng miền trên cả nước. Những đàn môi, kèn lá, đàn tính, cồng, chiêng... tạo thành dàn nhạc giao hưởng dân tộc độc đáo đã gây tiếng vang trong và ngoài nước. Gần đây, “Dân gian trên jazz - Dân gian trên dây” là chương trình âm nhạc đặc biệt vừa ra mắt công chúng cuối năm 2020, quy tụ hơn 40 nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật truyền thống cùng các nghệ sĩ nhạc jazz và dàn nhạc mang hơi hướng giao hưởng. Chương trình bắc nhịp cầu vừa quen vừa lạ cho những đối thoại Đông - Tây, trong đó nhạc jazz đóng vai trò kết nối giữa nhạc truyền thống và các thanh âm giao hưởng. Buổi hòa nhạc là điển hình cho sự kết hợp âm nhạc bản địa với thế giới. Vẻ đẹp tinh túy, uyển chuyển của các giai điệu tuồng, chèo, cải lương, hay chất nguyên sơ trong các giai điệu miền núi Tây Bắc hòa với cấu trúc mang tính ngẫu hứng của jazz, khả năng biểu đạt phong phú của dàn dây và dàn kèn đồng trong giao hưởng tạo nên một không gian âm nhạc rộng mở. Khán giả cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ của nhiều khía cạnh trong âm nhạc, đó là truyền thống và hiện đại, là tự do và chuẩn mực…

Sắc Việt hòa nhịp thế giới -0
Dàn nhạc dân tộc Seaphony trong một buổi biểu diễn tại Hà Nội. 

3. Kho tàng mỹ thuật truyền thống là nền tảng, cảm hứng để sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, cũng là câu chuyện đáng nói của ngành mỹ thuật tạo hình. Công chúng từng biết đến họa tiết truyền thống được đưa vào tà áo dài dân tộc qua các mẫu thiết kế của Minh Hạnh, Hòa Nguyễn, Hà Linh Thư… và được quảng bá khắp nơi trên thế giới qua các cuộc trình diễn thời trang. Những họa tiết của trống đồng Đông Sơn cũng từng xuất hiện trên đồng hồ, điện thoại, hộp nhạc... của nhiều hãng đồ hiệu nổi tiếng thế giới. 

Mới đây, từ tình yêu tranh Hàng Trống, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang cùng nhóm S-River của mình đã thực hiện dự án “Họa sắc Việt” nhằm cung cấp những phân tích sâu sắc và phương pháp cụ thể về cách sử dụng mầu sắc, họa tiết của dòng tranh. Các dữ liệu được số hóa thành bảng mã mầu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp mầu sắc và cách ứng dụng trên đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ. Đây sẽ là “kho nguyên liệu” dồi dào để tạo ra những thiết kế mang đậm dấu ấn Việt. 

Cũng từ tranh Hàng Trống, nhóm thầy và trò Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam đưa những họa tiết của tranh lên các chất liệu khác như gốm, sơn mài, lụa hay thể hiện bằng công nghệ in 3D... Sự loang nhòe của lụa, óng ánh của sơn mài càng tôn lên các họa tiết mềm mại, tinh tế của tranh Hàng Trống. Nhóm sinh viên với sự hướng dẫn của những người thầy lành nghề, còn đưa những câu chuyện đương đại vào tác phẩm của mình và có tính ứng dụng cao trong đời sống như tranh lụa cá chép vượt vũ môn trên rèm cửa, đám cưới chuột trên bình sơn mài cắm hoa, hay tranh Hàng Trống trên đèn kéo quân… Di sản được viết tiếp bởi thế hệ trẻ, đối thoại với truyền thống bằng cảm hứng riêng mỗi người. Đây sẽ là nguồn cảm hứng khởi động cho các dự án khác với hàng loạt các di sản mỹ thuật truyền thống đối thoại với nhiều chất liệu đương đại của Việt Nam cũng như thế giới. 

Chưa bao giờ di sản văn hóa truyền thống lại được phát huy một cách khéo léo, sáng tạo  như hiện nay. Đó là cách mà những người trẻ lan tỏa tình yêu Tổ quốc, lan tỏa văn hóa Việt, tinh thần Việt ra thế giới.