Truyền tình yêu tiếng Việt
Nhân kỳ nghỉ đón năm mới, những em nhỏ là con em kiều bào ở Australia, New Zealand tham gia khóa tìm hiểu lịch sử “Việt Nam thương yêu” đã vẽ những bức tranh đầy khí thế về chiến thắng Bạch Đằng anh hùng và gửi cho các thầy, cô giáo. Chị Minh Hà Patmore, mẹ của Jamie hiện sinh sống tại Harrington Park ngoại ô Australia, cho biết.
Chị vẫn thường dạy con các bài hát tiếng Việt, nhưng do Jamie dành phần lớn thời gian nói tiếng Anh nên dù rất thích, con vẫn không hiểu được ý nghĩa nhiều từ. Từ ngày tham gia lớp học của câu lạc bộ (CLB) Yêu tiếng Việt tại Australia vào mỗi cuối tuần, Jamie không những hát được nhiều hơn mà còn phân biệt những cách dùng từ đa dạng trong tiếng Việt. Đây là một CLB dành cho con em kiều bào được TS Nguyễn Thế Dương của Đại học Queensland (Australia) sáng lập năm 2016 và nhanh chóng được cộng đồng các phụ huynh Việt Nam ở Australia ủng hộ. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều nơi phải cách ly xã hội, CLB đã triển khai mô hình dạy tiếng Việt trực tuyến từ tháng 1-2020, hiện có 70 học sinh khoảng 5 đến 16 tuổi tới từ nhiều nơi theo học.
“Ngoài giờ học trực tuyến với thầy, cô và các bạn khắp nơi trên thế giới, các con cũng có thời gian thực hành ở nhà với bố mẹ nhiều hơn, nên tiếng Việt của các bạn ấy tiến bộ rất nhanh, có thể hát những bài hát tiếng Việt quen thuộc và đặc biệt, các bạn đã thích học tiếng Việt hơn rất nhiều”, chị Hoàng Thị Thu Thủy, Ths ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng sáng lập CLB Yêu tiếng Việt chia sẻ. Nhờ vậy, từ Việt Nam chị Thủy có thể “đứng lớp” tiếng Việt cho các em nhỏ ở khắp nơi trên thế giới.
Các lớp học tiếng Việt được thiết kế với đủ trình độ, độ tuổi và múi giờ khác nhau cho các bạn nhỏ khắp nơi trên thế giới. Dù học theo hình thức trực tuyến, song lớp học được kết hợp với nhiều trò chơi vui nhộn, hấp dẫn nên luôn khiến học sinh hào hứng.
Những giáo trình mang “hồn quê hương”
Từ thực tế giảng dạy tại những lớp giao tiếp cơ bản, TS Nguyễn Thế Dương cùng hai tác giả Phạm Thị Hương Quỳnh và Trần Hương Thục đã biên soạn bộ giáo trình “Tiếng Việt của em” theo phương pháp dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho các bạn đang sử dụng ngôn ngữ nước sở tại là ngôn ngữ chính như tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn...
Khắp nơi trên thế giới, nơi đâu cũng có những thầy, cô tâm huyết với việc dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào ở nước ngoài. Tại Thủ đô Warsaw (Ba Lan), Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, ngôi trường vừa bước sang tuổi 21, cũng là một “địa chỉ đỏ” của cộng đồng người Việt. Trước đây, tài liệu giảng dạy của trường chủ yếu dựa vào bộ sách giáo khoa trong nước là bộ Tiếng Việt cấp tiểu học và tham khảo thêm các bộ sách “Tiếng Việt Vui” và “Quê Việt” do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn riêng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Từ năm 2018, trường đã hoàn thành biên soạn bộ giáo trình riêng là “Em học tiếng Việt”, gồm 14 quyển với các chương trình theo cấp độ A, B, C, D, E và lấy đó làm tài liệu giảng dạy và học tập, phù hợp hơn với môi trường và điều kiện thời gian của con em cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Buổi đầu thành lập trường chỉ có khoảng vài chục học sinh. Đến nay, tổng số học sinh hằng năm là khoảng 150 - 180 em, với lứa tuổi từ 6 đến 14.
Dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia, nhưng những lớp học tiếng Việt trực tuyến trên khắp thế giới đã được mở ra, kết nối các công dân Việt nhí toàn cầu và từ đó các em nhỏ cũng luôn cố gắng, nỗ lực học giỏi tiếng Việt, gìn giữ được tiếng mẹ đẻ của mình cho dù ở bất cứ đâu trên thế giới.