Tấm chân tình của người phụ nữ Nhật
Áo sơ-mi kẻ, đeo túi cói, Mayu Ino bước vào vườn quýt của gia đình anh em Tuấn, Toán ở xóm Xôm, xã Nam Sơn (nay là Vân Sơn), Tân Lạc, Hòa Bình. Tuấn và Toán vội dừng cắt quýt, từ trên đồi chạy xuống gọi bà con: “Chị Mayu về!”. Người bắt tay, người ôm lấy Mayu.
“Vườn quýt trồng theo cách chị hướng dẫn giờ cây khỏe, ra nhiều trái mà ngọt lắm! Ngôi nhà mới xây này cũng từ tiền bán quýt đó”, Toán khoe với người chị mà cậu coi như ân nhân rồi dẫn Mayu đi thăm vườn. Bước chân qua những triền đất dốc bừng sắc vàng quýt chín, Mayu nhớ lại 20 năm trước khi điện chưa về bản, đường vào xã quanh năm bùn lầy, sỏi đá và nhà nào cũng nghèo khổ như nhau. Toán khi đó mới 12 tuổi, học rất giỏi, luôn ước mơ thành bác sĩ, nhưng gia đình quá khó khăn… Gắn bó thời gian dài, Mayu có thể nhớ như in hoàn cảnh của từng gia đình như thế ở đây.
Năm 2003, trong vai trò điều phối viên của Tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản, hằng tháng chị bắt xe rồi cuốc bộ cả ngày trời vào tận cuối bản, hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở Nam Sơn rất phù hợp để trồng quýt, loại cây có mặt ở mảnh đất này từ năm 1950, Mayu cất công về Nhật mời một nông dân giàu kinh nghiệm canh tác hữu cơ các loại cây có múi sang tập huấn cho bà con. Đến nay, quýt cổ Nam Sơn đã giúp người dân thoát nghèo bền vững. Từ chỗ thu nhập 100 triệu đồng/năm đã là mơ ước, đến ngày Mayu rời đi, có hộ nhờ bán quýt đã đạt thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm.
Ông Đinh Văn Lừng, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết: Mayu gắn bó với Nam Sơn 17 năm, hết lòng giúp đỡ nên bà con rất biết ơn và coi cô ấy như người thân. Dù dự án đã kết thúc nhưng người dân vẫn canh tác, chăn nuôi theo những gì Mayu hướng dẫn, tuyệt đối không dùng hóa chất, thuốc trừ cỏ.
Hai lần trì hoãn trở về
Năm 1995, lần đầu đến Việt Nam du lịch, hình ảnh làng quê thanh bình với người nông dân chân chất đã để lại nhiều thiện cảm trong Mayu Ino để rồi hai năm sau, chị quyết định rời Tokyo sang Việt Nam du học. Tốt nghiệp, Mayu không trở về mà ở lại làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với mong muốn giúp người nông dân thay đổi cuộc sống từ tiềm năng sẵn có. Mayu đã đến nhiều địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An... để thực hiện những dự án xây dựng cộng đồng. Năm 2009, tổ chức này ngừng hoạt động, Mayu có thể lựa chọn học bổng Mỹ hay nghe lời mẹ giục về nước kết hôn. Song một lần nữa, chị chọn ở lại!
“Dự án kết thúc nhưng cả một dây chuyền sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều mắt xích bị bỏ trống. Do vậy, tôi quyết định thành lập tổ chức Seed To Table, tức là “Từ hạt giống đến bàn ăn” để tiếp tục đồng hành với người nông dân”, Mayu chia sẻ.
Trong vai trò giám đốc Seed To Table, Mayu đã tích cực vận động xin tài trợ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các công ty, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ nông dân Việt Nam. Năm 2010, Mayu Ino cùng đồng nghiệp đến các tỉnh phía nam, gặp cả nghìn hộ gia đình ở ba huyện Bình Đài, Ba Tri, Mỏ Cày Nam (Bến Tre), thuyết phục người dân tham gia dự án làm nông nghiệp sạch. Có nhà mất hằng giờ vận động người dân cải tạo đất, chọn hạt giống, thay đổi phương thức canh tác. Quá trình đó có sự đồng hành của những đối tác uy tín để nông sản làm ra phải đạt chuẩn hữu cơ PGS.
Bà Võ Mỹ Trinh, nông dân huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre nhớ lại: Ngày đầu Mayu tới, mình cũng nghi ngại nhưng thấy chị “thật tình” với nông dân quá nên cứ thử làm xem sao. Rồi làm thì thấy hiệu quả nên rất biết ơn chị.
Ươm “hạt giống” bền vững
Hoàn thiện những mắt xích “Từ hạt giống đến bàn ăn”, Mayu chia các hộ nông dân theo từng tổ tự giám sát lẫn nhau để cùng đạt được chứng nhận hữu cơ PGS. Riêng trái dừa, Mayu đã hỗ trợ bà con xây dựng xưởng chế biến mứt và dừa sấy giòn. Sản phẩm được kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các cửa hàng, phiên chợ. Mayu còn mang sản phẩm của những nhóm này chào hàng tại các nhà hàng, doanh nghiệp và nhận được nhiều sự quan tâm, đặt mua, thậm chí đưa sản phẩm về Nhật.
Hơn 20 năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và người nông dân Việt Nam, không phải lúc nào công việc của Mayu cũng diễn ra thuận lợi. Thời gian đầu, việc xin giấy phép và tiếp cận cán bộ địa phương rất khó khăn. Khi đi vào triển khai, có những lúc chị đã nản, muốn bỏ cuộc vì khổ công thuyết phục người dân tham gia, tài trợ từ vật chất tới kiến thức, nhưng có khi nhận lại sự bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng từ hiệu quả mà Seed To Table mang lại, lãnh đạo cùng người dân nhiều địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh... đã chủ động đến tìm hiểu, mời dự án về hỗ trợ.
Dành cả thanh xuân cho Việt Nam, Mayu không chỉ nói được tiếng Kinh, mà tiếng Mường chị cũng thông thạo. Đến giờ, đồng bào Mường ở Hòa Bình vẫn giữ thói quen cứ có bầy vịt ngon, con lợn sạch lại rủ chị “về liên hoan”. Rời Cao Bằng đã bao năm, song thanh minh năm nào đồng bào Nùng cũng mời chị về ăn Tết. Hay mỗi lần về các ấp, lãnh đạo thôn xã tự đi bắt ba khía làm mắm vì biết chị thích nhất món này… Những tấm chân tình lưu luyến đó đã giữ chân Mayu suốt 24 năm qua.
“Việt Nam giờ đã trở thành quê hương thứ hai trong tôi!”, Mayu chia sẻ!
Thông qua việc đưa mô hình trồng rau hữu cơ vào một số trường học tại Bến Tre, Đồng Tháp, Mayu đánh giá: “Nhiều em học sinh tỏ ra rất hứng thú. Có em còn dự định sau này sẽ học chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ tại đại học. Đây không phải là những hạt giống có thể gặt hái theo nghĩa đen. Nhưng 10 năm sau, các em sẽ trở thành tài sản quý báu của địa phương”.