Cơ duyên năm 2017, tình cờ mua được một số bản dịch Truyện Kiều được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng nhưng còn rất nhiều bản dịch vẫn chưa được biết đến, chị Sông Hương quyết định bỏ thời gian tìm kiếm, tập hợp các bản dịch Truyện Kiều trên thế giới.
Năm 2020, nhân kỷ niệm 255 năm Ngày sinh và 200 năm Ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) dự định tổ chức tại Pháp vào tháng 3, chị dự định đưa vào chương trình việc giới thiệu các bản dịch Truyện Kiều, nhưng không may chuỗi sự kiện phải hủy do dịch Covid-19.
Đến tháng 9, cùng với việc phát hành gần 3.000 tem sử dụng tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Claudia Borcher ở Đức và họa sĩ Ngọc Mai ở Việt Nam, chị tổ chức triển lãm “Truyện Kiều và các bản dịch” từ ngày 12 và bế mạc vào ngày giỗ của đại thi hào Nguyễn Du 26-9. Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lễ kỷ niệm được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng, với sự có mặt của đại diện các cơ quan ngoại giao, văn hóa của Việt Nam, như Đại sứ Đặc mệnh nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Trần Thị Hoàng Mai và một số chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam trong các trường đại học của Pháp như GS Hugues Tertrais, PGS Pascal Bourdeaux...
Đông đảo người quan tâm đã đến triển lãm tìm hiểu các bản dịch, tham gia trao đổi ý kiến về Nguyễn Du và Truyện Kiều tại nhà sách Sudestasie ở quận 5, Thủ đô Paris. Đây là lần đầu các bản dịch Truyện Kiều với 20 ngôn ngữ được tập hợp một cách đầy đủ và ra mắt. Tại đây, chị rất ấn tượng với một nhóm Việt kiều tới xem triển lãm và muốn được nghe giảng Kiều, chị đã dành một buổi đọc và nói chuyện về Truyện Kiều. Tiếp theo triển lãm, danh sách các bản dịch lần đầu được công bố trong một báo cáo khoa học ở Hội thảo về Nguyễn Du và Truyện Kiều do Viện Văn học tổ chức ở Hà Nội ngày 26-11.
Nghiên cứu các bản dịch và việc tiếp nhận Nguyễn Du và Truyện Kiều trên thế giới, cũng như văn học Việt Nam nói chung là một phần trong công việc nghiên cứu của chị Sông Hương. Bên cạnh đó, chị cũng thu thập các tư liệu Đông Dương thời thuộc Pháp phục vụ việc nghiên cứu lịch sử.
“Tôi phải bỏ nhiều thời gian tìm hiểu, khảo sát từ nhiều nguồn tư liệu may mắn nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình, đồng nghiệp ở các nước, thậm chí cả những người chưa từng quen biết để có thể tập trung được một số lượng lớn sách hiếm như vậy trong thời gian ngắn. Hầu hết đây đều là sách xưa, sách cũ, chỉ có thể mua lại hay trao đổi từ những nhà sưu tập, các hiệu sách cũ và nhiều nhất là từ các cá nhân, chủ sở hữu”, chị Hương cho biết.
Tới đây, bộ sưu tập 73 bản dịch Truyện Kiều của chị sẽ được tặng cho các bảo tàng, thư viện và Khu lưu niệm Nguyễn Du.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, từ nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Sông Hương đã yêu thích văn chương, đặc biệt là Truyện Kiều và những làn điệu dân ca ví, giặm của quê nhà. Tốt nghiệp cao học về văn học, năm 2001, chị sang Pháp học thêm bằng thạc sĩ ngành Truyền thông, công nghệ Tri thức và Quản lý thông tin, sau đó trở thành công chức của Chính phủ Pháp và làm việc trong các trường đại học. Ngoài công việc chính trong Nhà xuất bản của Trường nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội - Paris (EHESS), chị còn nghiên cứu văn học và lịch sử Việt Nam.